Cụ thể, bà Chun Chaerhan được bầu làm tân chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2027 của Dược phẩm Imexpharm. Còn ông Chun Suyong được bầu làm Thành viên HĐQT độc lập - phụ trách Trưởng Ủy ban Kiểm toán.
Bà Chun Chaerhan sinh năm 1979, trình độ chuyên môn MBA. Từ năm 2016 tới nay, bà Chaerhan công tác tại Vietnam – SK SUPEX Council, Hàn Quốc. Bà hiện giữ các chức vụ gồm người đứng đầu SK SUPEX Council, Việt Nam; Giám đốc, Thành viên HĐQT của SK Investment Vina III Pte. Ltd, Singapore; Giám đốc, Thành viên HĐQT của MSN Investment Vina III Pte. Ltd, Singapore; Giám đốc, Thành viên HĐQT của CTCP Maroon Bells, Việt Nam.
Ông Chung Suyong sinh năm 1972, trình độ Dược sĩ, MBA. Ông bắt đầu làm tại hệ sinh thái của SK Group từ năm 2016 với vị trí tại SK Holdings. Từ 2017 đến nay, ông giữ chức vụ Tổng giám đốc tại IQVIA Hàn Quốc.
Bà Chun Chaerhan và ông Chung Suyong là ứng cử viên thành viên HĐQT do cổ đông lớn SK Investment Vina III Pte. Ltd. đề cử.
SK Investment Vina III Pte. Ltd. là cổ đông lớn nhất của Dược phẩm Imexpharm với gần 31,8 triệu cổ phần nắm giữ, tương đương khoảng 47,7% vốn điều lệ của Imexpharm. Cuối năm 2022 vừa qua, nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc này đã có thương vụ với CTCP Đầu tư Bình Minh Kim, khiến pháp nhân này trở thành người có liên quan của SK Investment Vina III Pte. Ltd. và CTCP Đầu tư KBA, nâng tổng số cổ phần sở hữu của nhóm cổ đông này lên gần 43,1 triệu cổ phiếu, tương đương 64,6% vốn điều lệ.
Ngoài ra, về thay đổi nhân sự của IMP, công ty bổ nhiệm bà Trần Thị Đào làm Thành viên HĐQT, thay cho vị trí Phó Chủ tịch HĐQT và tiếp tục làm Tổng Giám đốc công ty. Ông Trương Minh Hùng và bà Hàn Thị Khánh Vinh tiếp tục làm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới.
Quý 1 vừa qua, Imexpharm đã ghi nhận lãi ròng 78 tỷ đồng, tăng trưởng 48%. Đây là mức lợi nhuận cao thứ 2 kể từ khi công ty niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) (năm 2006), quý cao nhất là quý 4/2022 với gần 79 tỷ đồng.
Cụ thể, Imexpharm đã ghi nhận doanh thu thuần quý 1/2023 đạt 479 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng 45% lên 248 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 231 tỷ đồng, tăng 62%.
Về hoạt động kinh doanh tài chính, công ty ghi nhận doanh thu tài chính đạt 3,2 tỷ đồng, tăng 32%, chi phí tài chính giảm 5% còn 6 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay giảm tới 74% còn 0.4 tỷ đồng.
Dù vậy, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh hơn 70% và 90%, lên 92 tỷ đồng và 38 tỷ đồng.
Năm 2023, Imexpharm đặt kế hoạch doanh thu đạt 1.750 tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện năm 2022, lợi nhuận trước thuế đạt 350 tỷ đồng, tăng 20%. Mục tiêu tới năm 2027 doanh thu đạt 3.200 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 640 tỷ đồng tăng khoảng 2 lần so với thực hiện 2022. Hết quý 1, công ty đã hoàn thành 27,3% kế hoạch doanh thu và 22,3% kế hoạch lợi nhuận.
Theo Imexpharm, mức tăng trưởng lợi nhuận trong quý 1/2023 là do công ty tiếp tục mở rộng thị trường, thị trường hồi phục sau đại dịch Covid-19.
Đồng thời, công ty cơ cấu lại danh mục sản phẩm bán ra, tập trung vào các sản phẩm chủ lực có giá trị và lợi nhuận biên cao, nên thuận lợi cho việc kinh doanh ở các tháng đầu năm.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, diễn ra ngày 28/4, Dược phẩm Imexpharm đã thông qua tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2022. Công ty dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 15%, gồm 10% bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu. Với gần 66,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty dự kiến chi 66,7 tỷ đồng hoàn thành nghĩa vụ cho cổ đông và phát hành thêm 3,33 triệu cổ phiếu, tương đương tăng vốn điều lệ thêm 33,3 tỷ đồng. Thời gian phát hành cổ phiếu dự kiến từ quý 2 - quý 4/2023.
Năm nay công trích quỹ đầu tư và phát triển do quỹ này còn tổn hơn 453 tỷ đồng. Quỹ này sẽ được dùng để đầu tư chiều sâu, mở rộng sản xuất kinh doanh để phát triển công ty; bù đắp những chi phí, thiệt hại (nếu có) trong quá trình hoạt động công ty. Quỹ này còn được dùng để thưởng cổ phiếu cho cổ đông bổ sung vốn điều lệ (nếu có).
Ngoài ra, trong năm 2023, công ty cũng dự kiến phát hành cổ phiếu chào bán theo chương trình cho người lao động (cổ phiếu ESOP) với tỷ lệ 5%, thời gian phát hành cổ phiếu dự kiến từ quý 2 - quý 4/2023. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng từ 2 đến 3 năm kể từ đợt chào bán, tùy theo từng đối tượng cụ thể. Nguồn vốn huy động được từ đợt phát hành ESOP sẽ được công ty bổ sung ngay vào nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh.
Dự kiến sau 2 đợt phát hành, vốn điều lệ của công ty sẽ là 733,7 tỷ đồng, tương đương 73,37 triệu cổ phần.