Quý 1/2024, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Đức là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam với 72.377 tấn, đạt 229 triệu USD, giảm 6,5% về lượng nhưng lại tăng tới 46,6% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng diễn ra trong bối cảnh giá cà phê xuất khẩu sang Đức ghi nhận tăng cao trong quý đầu năm 2024 với +56% so với cùng kỳ, lên mức 3.168 USD/tấn.
Chia sẻ rõ hơn về thị hiếu tiêu dùng, tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4/2024 do Bộ Công Thương tổ chức chiều ngày 26/4 tại tỉnh Đăk Lăk, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Đức Đỗ Việt Hà cho biết, mỗi năm người Đức tiêu thụ khoảng 169 lít cà phê/người/năm. Con số này nhiều hơn lượng tiêu thụ bia (chỉ ở mức 90 lít/người/năm) và nước uống (khoảng 123 lít/người/năm) tại Đức.
Cà phê tiêu thụ tại Đức chủ yếu là cà phê phin, chiếm khoảng 70% thị phần. Dù vậy các mặt hàng cà phê pha sẵn, capuchino, latte… cũng đang dần được phổ biến tại Đức. Người Đức cũng đặc biệt ưa chuộng cà phê hữu cơ và hiện quốc gia này là thị trường nhập khẩu cà phê hữu cơ hàng đầu tại châu Âu.
Nhu cầu cà phê đặc sản tại Đức cũng có xu hướng gia tăng ở phân khúc khách hàng cao cấp; người Đức ngày càng quan tâm đến các sản phẩm thuần chay.
Thỏa thuận Xanh của EU và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam
Việt Nam xuất khẩu cà phê sang thị trường nào được giá nhất?
Cà phê mang về kim ngạch kỷ lục trong quý 1/2024
Nhằm đẩy mạnh cơ hội xuất khẩu cà phê sang quốc gia Tây Âu này, bà Hà cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu cần đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Trong đó, ngoài yêu cầu chung, doanh nghiệp có thể phải đối mặt với các yêu cầu riêng cho từng sản phẩm.
Doanh nghiệp cần chú trọng việc xây dựng thương hiệu gắn với câu chuyện sản phẩm, trang trại cà phê, người trồng… Đồng thời tận dụng lợi thế từ FTA, tận dụng các kênh phân phối châu Á tại Đức, có kế hoạch quảng bá hiệu quả...
“Các sản phẩm thương hiệu của Việt Nam như Trung Nguyên đã có mặt ở các siêu thị châu Á tại Đức. Đây là cách tiếp cận hiệu quả để doanh nghiệp Việt mang sản phẩm vào Đức nói riêng và châu Âu nói chung,” bà Hà nhận định.
Đối với doanh nghiệp lần đầu ký kết với đối tác Đức, doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp với Thương vụ Việt Nam tại Đức để được hỗ trợ xác minh đối tác, đảm bảo năng lực, độ tin cậy, từ đó giảm thiểu rủi ro về hợp đồng.
EUDR sẽ tạo ra rào cản cho doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vào Đức?
Mặc dù Đức là thị trường với nhiều tiềm năng, tuy nhiên các quy định mới được đưa ra thời gian qua có thể trở thành mối lo cho cả doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam cũng như các nhà nhập khẩu tại thị trường này, trong đó nổi bật là EUDR (Quy định chống phá rừng của EU).
EUDR được thông qua vào tháng 6/2023, các doanh nghiệp có thời gian 18 tháng (đối với doanh nghiệp lớn) và 24 tháng (đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ) để chuẩn bị. Các doanh nghiệp nhập khẩu EU sẽ phải chịu phạt 4% tổng doanh thu nếu vi phạm EUDR.
Với quy định này, EU sẽ cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng (cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, ca cao và đậu) nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng.
Thời gian qua, các doanh nghiệp Đức và hiệp hội cà phê Đức đều tỏ ra lo ngại về quy định mới này bởi nó có thể gây ra tình trạng thiếu cà phê và giá tăng từ sau năm 2025.
“Theo hiệp hội cà phê Đức, 18 tháng là thời gian quá ngắn để chuẩn bị. Các doanh nghiệp tại Đức có thể bị đe dọa vì sự thiếu hụt nguồn cung tại thị trường này và tại châu Âu. Bên cạnh đó là vấn đề lo ngại việc giá cà phê sẽ tăng đáng kể," bà Hà cho biết.
Nói rõ hơn về những yêu cầu của EUDR đối với doanh nghiệp xuất khẩu, bà Phan Thị Vân – Giám đốc Chương trình, Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH Vietnam) cho rằng, có 3 vấn đề chính trong EUDR, bao gồm thông tin dữ liệu sản phẩm, đánh giá rủi ro và các biện pháp giảm thiểu rủi ro, thẩm định trách nhiệm đối với EUDR.
Theo bà Vân, ngành cà phê đang gặp khó khăn trong vấn đề định vị khi có khoảng 70 – 75% vườn trồng cà phê của Việt Nam chưa có dữ liệu định vị phù hợp với EUDR. Đồng thời, ngành cà phê của Việt Nam cũng phải đối mặt với thách thức về thông tin truy xuất nguồn gốc, các biện pháp đảm bảo không gây mất rừng và sản xuất hợp pháp...
Dù vậy, nhìn ở góc độ khác, bà Vân cho rằng, đây là cơ hội cho ngành nông nghiệp khi Việt Nam có thể hợp tác công tư, giảm thiểu tình trạng phá rừng, đưa ngành nông nghiệp phát triển theo hướng minh bạch, bền vững.