Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, GDP quý IV/2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,7% và 5,17% của cùng kỳ năm 2020 và 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011-2019.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,85%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,22%; khu vực dịch vụ tăng 8,12%.
Về sử dụng GDP quý IV/2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,12% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 5,61%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 6,14%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 4,83%.
Năm 2022, ước tính GDP tăng 8,02%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Trong mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Trong đó, ngành bán buôn, bán lẻ tăng 10,15% so với năm trước, đóng góp 0,97 điểm phần trăm; ngành vận tải kho bãi tăng 11,93%, đóng góp 0,69 điểm phần trăm… Đặc biệt, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 40,61%, đóng góp 0,79 điểm phần trăm…
Về sử dụng GDP năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,18% so với năm 2021, đóng góp 49,32% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 5,75%, đóng góp 22,59%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,86%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,16%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 28,09%.
GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 theo giá hiện hành ước tính đạt 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động, tăng 622 USD so với năm 2021).
Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2022 tăng 4,8% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2022 đạt 26,2%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với năm 2021).
Kinh tế Việt Nam đang vận hành tốt trong bối cảnh nhiều thách thức
Như vậy, tăng trưởng GDP năm 2022 khá sát với ước tính của Chính phủ và dự báo từ các tổ chức quốc tế, giới chuyên gia. Tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 10, Chính phủ đã báo cáo tăng trưởng kinh tế năm nay ước đạt 8%, tốc độ tăng chỉ số tiêu dùng CPI khoảng 4%.
Tại báo cáo kinh tế châu Á mới cập nhật ngày 22/12, Ngân hàng HSBC nâng dự báo tăng trưởng cho năm 2022 của Việt Nam lên 8,1%. HSBC cho rằng, năm 2022 là năm phục hồi bùng nổ, giúp Việt Nam nhiều khả năng tiếp tục là một trong những nước tăng trưởng vượt trội ở châu Á.
Tuy nhiên, triển vọng dần bị phủ bóng từ những trở ngại về thương mại gia tăng. Sau khi tăng trưởng hơn 17% trong ba quý đầu năm, xuất khẩu đã giảm tốc nhanh trong tháng 10, và giảm đáng kể vào tháng 11. Những thách thức nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn trong năm 2023. Đặc biệt, sau khi những hiệu ứng do mở cửa trở lại nhạt dần đi và tác động của lạm phát cao bắt đầu ảnh hưởng. HSBC dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 sẽ chậm lại, ở mức 5,8%.
Tại báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2022 do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố ngày 14/12, ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên mức 7,5% trong năm nay, so với mức 6,5% mà ngân hàng này dự báo vào cuối tháng 9.
ADB đánh giá, mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang vận hành tốt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn, nhưng rủi ro đối với triển vọng kinh tế ngày càng gia tăng. Vì vậy, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 được điều chỉnh xuống còn 6,3% do các đối tác thương mại lớn suy yếu.
Trong khi đó, quỹ PYN Elite dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh nhất ASEAN, chứng khoán bật lên mạnh năm 2023. Theo dự báo của PYN Elite, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm 2023, thấp hơn khoảng 1% so với mục tiêu 6,5% của Chính phủ, chủ yếu do kỳ vọng yếu hơn về xuất khẩu. Tuy nhiên, theo nhà sáng lập PYN Elite, ông Petri Deryng, Việt Nam sẽ có một năm 2023 bùng nổ.