GDP quý III của Indonesia tăng nhanh, nhưng chưa đạt kỳ vọng

KINH TẾ Indonesia
14:48 - 09/11/2022
Cảng Tanjung Priok ở Jakarta vào ngày 3/8. Xuất khẩu của Indonesia từ tháng 1 đến tháng 9 đạt 219 tỷ USD, tăng 33% so với 3 quý đầu năm ngoái. Ảnh: Reuters
Cảng Tanjung Priok ở Jakarta vào ngày 3/8. Xuất khẩu của Indonesia từ tháng 1 đến tháng 9 đạt 219 tỷ USD, tăng 33% so với 3 quý đầu năm ngoái. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia cho biết, GDP của nước này trong quý III/2022 tăng 5,72%, so với mức 5,44% của quý trước. Đây cũng là mức tăng GDP nhanh nhất so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ sự khởi sắc trong lĩnh vực xuất khẩu.

Với kết quả trên, đây là quý tăng trưởng thứ 6 liên tiếp và có tốc độ nhanh nhất của nước này kể từ quý II/2021. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này thấp hơn so với dự báo trước đó là 5,89%.

Theo dữ liệu công bố, mức tiêu dùng hộ gia đình của Indonesia – vốn chiếm một nửa nền kinh tế Indonesia, vẫn duy trì ổn định ở mức 5,39%, so với 5,51% trong quý II. Lĩnh vực đầu tư cố định tăng mạnh 4,96%, so với mức 3,07%. Ngoài ra, thương mại ròng quý III cũng ghi nhận sự đóng góp tích cực, khi xuất khẩu tăng 21,6%, trong khi nhập khẩu tăng nhẹ hơn 12,37%.

Nikkei Asia dẫn lời ông Margo Yuwono, người đứng đầu Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia cho biết, mức tiêu dùng hộ gia đình ổn định được thúc đẩy bởi chi tiêu gia tăng của các gia đình trung lưu và thượng lưu. “Đây là một xu hướng tốt, cho thấy sự phục hồi kinh tế đang tiếp diễn và tăng cường”, ông nói.

Về sản xuất, sản lượng ngành nông, lâm nghiệp quý III tăng 1,65%, chế tạo tăng 4,83%, khai khoáng tăng 3,22%, các dịch vụ tiện ích tăng 8,05%. Các hoạt động thương mại (bán buôn & bán lẻ) quý III tăng 5,35% so với mức 4,42%, dịch vụ vận tải & kho bãi tăng 25,81% so với mức 21,27%. Ngược lại, hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe & dịch vụ xã hội tăng trưởng -1,74%, trong khi đó quý II năm nay ghi nhận mức tăng 6,49%.

“Nhìn chung, tất cả các lĩnh vực hàng đầu của Indonesia đều tăng trưởng, cụ thể là các ngành khai khoáng, nông nghiệp, thương mại và xây dựng”, ông Yuwono nhận xét.

Kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra, giá hàng hóa toàn cầu tăng đã tạo cơ hội cho Indonesia - nước xuất khẩu than nhiệt và dầu cọ lớn nhất thế giới - thúc đẩy xuất khẩu. Ông Yuwono cho biết, hoạt động xuất khẩu của Indonesia đã tăng đáng kể trong thời gian qua, nhưng tốc độ đang bắt đầu chậm lại.

Quốc gia này đã ghi nhận 29 tháng thặng dư thương mại liên tiếp tính đến tháng 9/2022, dẫn đầu các lô hàng của 2 mặt hàng này cộng với các sản phẩm sắt và thép. Xuất khẩu của Indonesia từ tháng 1 đến tháng 9 đạt 219 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng trong những tháng tới của Indonesia bị giảm sút do tình hình suy thoái ở Trung Quốc và lạm phát tăng nhanh. Trong tháng 9, lạm phát tại nước này đạt mức cao nhất trong 7 năm là 5,95%, vượt xa phạm vi mục tiêu của Ngân hàng Indonesia là từ 2% đến 4%.

Ngân hàng Trung ương Indonesia kỳ vọng mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2022 là 5,20%. Về dài hạn, tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm của Indonesia được dự báo sẽ có xu hướng vào khoảng 5,30% vào năm 2023 và 5,70% vào năm 2024.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết, Chính phủ nước này sẽ làm việc để duy trì vị thế của Indonesia như một "điểm sáng" trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng lưu ý về những rủi ro tiềm ẩn của một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.

Đọc tiếp

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một chiến thắng trong việc tạm dừng phán quyết gian lận dân sự trị giá 454 triệu USD, từ đó tránh được việc bị chính quyền bang New York thực hiện các bước để tịch thu tài sản.