Theo MXV, dầu thô WTI mất 4,4% so với giá tham chiếu, về mức 70,58 USD/thùng. Dầu Brent cũng sụt hơn 4%, xuống còn 74,25 USD/thùng. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hạ dự báo tăng trưởng và nhận định thị trường sẽ quay lại trạng thái thặng dư trong năm tới, theo MXV điều này gây sức ép lớn lên giá dầu.
Trong báo cáo thị trường năng lượng tháng 10, IEA cho biết tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2024 chỉ đạt 862.000 thùng/ngày do tiêu thụ giảm tốc tại Trung Quốc. Con số này thấp hơn mức 903.000 thùng/ngày được ước tính hồi tháng 9.
Ảnh: MXV |
IEA dự kiến nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng 150.000 thùng/ngày vào năm 2024, giảm 30.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. Tiêu thụ giảm 500.000 thùng/ngày trong tháng 8 so với cùng tháng năm ngoái, và đây đã là tháng giảm thứ tư liên tiếp.
Trong khi đó, nguồn cung dầu từ các nhà sản xuất ngoài Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang tăng mạnh mẽ và dự kiến sẽ đạt 1,5 triệu thùng/ngày trong năm nay và năm tới với mức tăng đến từ hầu hết các quốc gia Mỹ, Brazil, Guyana và Canada. Với việc tăng trưởng nguồn cung mạnh mẽ trong bối cảnh nhu cầu giảm tốc, IEA cho biết thị trường đang quay trở lại thặng dư đáng kể trong năm 2025.
Mặc dù có những lo ngại gián đoạn nguồn cung đến từ khu vực Trung Đông, tuy nhiên cho đến hiện tại dòng chảy năng lượng vẫn được duy trì ổn định. IEA cũng khẳng định sẵn sàng hành động nếu xuất hiện cú sốc nguồn cung. MXV cho rằng, tuyên bố này từ IEA đã gần như ngay lập tức đẩy giá dầu giảm mạnh sau đó.
Thêm vào đó, hoạt động xuất khẩu dầu của Nga đạt đỉnh 3 tháng khi các nhà máy lọc dầu nước này bước vào mùa bảo trì. Các lô hàng dầu thô xuất khẩu bằng đường biển từ thành viên OPEC+ tăng lên mức trung bình 3,33 triệu thùng/ngày trong 4 tuần qua. Ngoài ra, Israel tuyên bố chỉ nhắm mục tiêu vào các cơ sở quân sự của Iran, làm giảm đáng kể rủi ro gián đoạn nguồn cung năng lượng từ quốc gia Trung Đông này.