Giá dịch vụ khám, chữa bệnh cần tuân theo quy luật thị trường

Y Tế QUỐC HỘI
10:50 - 07/01/2023
PGS Nguyễn Lân Hiếu (tỉnh Bình Định): Giá khám chữa bệnh theo yêu cầu không thể quy định giá trần mà cần tuân theo quy luật của thị trường. Ảnh: quochoi.vn
PGS Nguyễn Lân Hiếu (tỉnh Bình Định): Giá khám chữa bệnh theo yêu cầu không thể quy định giá trần mà cần tuân theo quy luật của thị trường. Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cho rằng không thể áp giá trần cho giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu mà cần tuân theo quy luật thị trường, nhằm tạo động lực để các bệnh viện thay đổi và phát triển. 

Trong Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội, tại phiên thảo luận ở hội trường về Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) ngày 6/1, các đại biểu đã tập trung quan tâm về những vấn đề còn vướng mắc.

Không thể quy định giá trần khám, chữa bệnh

Về vấn đề tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, dự thảo Luật đưa ra hai phương án đối với giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại bệnh viện công tự chủ về tài chính. Phương án một là bệnh viện tự đảm bảo chi đầu tư và chi thường xuyên được quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh, nhưng không vượt quá giá tối đa theo quy định của Bộ trưởng Y tế.

Phương án hai là bệnh viện tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên được quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh, nhưng không vượt quá giá tối đa theo quy định của Bộ trưởng Y tế, trừ giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu và giá dịch vụ khám, chữa bệnh hình thành từ hoạt động hợp tác theo hình thức đối tác công tư.

Đa số các đại biểu đều lựa chọn phương án thứ hai. Theo đại biểu Dương Tấn Quân (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), chọn phương án này nhằm mục tiêu hướng đến các đơn vị y tế phải tự chủ toàn bộ để các đơn vị khám, chữa bệnh đảm bảo được hoạt động, có tích lũy để tái đầu tư và có lợi nhuận phát triển.

Theo đó, giá bao gồm tích lũy để tái đầu tư và cho phép cơ sở khám, chữa bệnh tự định giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu trên cơ sở phương pháp định giá do Bộ Y tế quy định.

Đại biểu Dương Tấn Quân (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu): các đơn vị y tế phải tự chủ toàn bộ để các đơn vị khám, chữa bệnh đảm bảo được hoạt động, có tích lũy để tái đầu tư và có lợi nhuận phát triển. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Dương Tấn Quân (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu): các đơn vị y tế phải tự chủ toàn bộ để các đơn vị khám, chữa bệnh đảm bảo được hoạt động, có tích lũy để tái đầu tư và có lợi nhuận phát triển. Ảnh: quochoi.vn

Cũng về vấn đề này đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn tỉnh Bình Định) - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, kiến nghị cần phân hai luồng giá viện phí. Một là giá được bảo hiểm chi trả. Đây là giá được quy định cụ thể cho từng chuyên khoa. Phương pháp điều trị giá này cần có lộ trình để tính đúng, tính đủ và đặc biệt tiến tới xóa bỏ khái niệm “đồng chi trả”.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đánh giá đây là một vấn đề quan trọng, cần được nêu rõ trong luật, nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho mọi đối tượng. Vấn đề đặt ra là cần bảo đảm cân đối quỹ tương ứng với việc tính đúng, tính đủ trong việc khám chữa bệnh luật nên đưa vào nguyên tắc chung và các cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn theo lộ trình.

Hai là, giá khám chữa bệnh theo yêu cầu. Theo đại biểu, đây là chính là động lực để các bệnh viện thay đổi và phát triển. Do đó, không thể quy định giá trần mà cần tuân theo quy luật của thị trường. Bộ Y tế là cơ quan quản lý Nhà nước cần có các quy định để bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế như trình độ nhân viên y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thời gian khám hay là các phẫu thuật can thiệp kỹ thuật đặc biệt.

Cùng với đó, việc thanh, kiểm tra, rà soát giá khám chữa bệnh bảo đảm công khai, giải trình tường minh cũng là trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Tài chính và cơ quan thanh thanh tra, kiểm tra.

Về vấn đề tự chủ bệnh viện, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng đây là vấn đề khó nhưng nếu đã giải quyết được vấn đề giá khám, chữa bệnh thì việc vận hành các bệnh viện công tự chủ sẽ tường minh. Do đó, đại biểu đánh giá, Luật cần giúp cho bệnh viện tự chủ có thể hoạt động tương tự như một công ty nhưng có thêm nhiệm vụ chính trị là chăm sóc sức khỏe cho người dân trong các tình huống cấp cứu.

Còn những mâu thuẫn trong tính đúng, tính đủ chi phí khám, chữa bệnh

Trong khi đó, PGS. TS. Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng nội dung của dự thảo Luật còn chưa cụ thể hóa các nguyên tắc giá dịch vụ tính đúng, tính đủ chi phí khám, chữa bệnh, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, cơ sở khám, chữa bệnh và người bệnh.

Về giá dịch vụ khám, chữa bệnh, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, hiện nay đang quy định những bệnh viện tự chủ cao nhất được quyền xác định giá dịch vụ khám, chữa bệnh trong phạm vi khung giá hay mức giá cao nhất của Bộ Y tế quy định.

PGS. TS. Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội): còn những mâu thuẫn trong tính giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Ảnh: quochoi.vn

PGS. TS. Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội): còn những mâu thuẫn trong tính giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Ảnh: quochoi.vn

Quy định như vậy đại biểu cho rằng có 2 điều mâu thuẫn. Thứ nhất vô hình chung tất cả những dịch vụ y tế của bệnh viện tự chủ đều được xác định một mức giá cao hơn giá do Nhà nước quy định, bởi được tự chủ quyết định không vượt quá khung. Như vậy vô hình chung đã loại bỏ cơ hội cho những người thu nhập thấp không thể nào tiếp cận được những bệnh viện tự chủ.

Mâu thuẫn thứ hai, giá dịch vụ cao nhưng không vượt quá khung của Nhà nước quy định, sẽ có một số dịch vụ cần sử dụng những biện pháp kỹ thuật cao, cần phải có chi phí nhiều hơn sẽ không thực hiện được. Như vậy, người dân có khả năng chi trả, muốn được sử dụng các dịch vụ cao hơn hẳn cũng không đáp ứng được và phải sang khu vực bệnh viện tư nhân.

Quy định như vậy vừa loại bỏ cơ hội tiếp cận của người thu nhập thấp, vừa loại bỏ cơ hội, mong muốn được hưởng dịch vụ cao của người thu nhập cao, vừa loại bỏ cơ hội để cho các bệnh viện tự chủ vươn lên, nâng cao trình độ.

Luật khám, chữa bệnh là dự án Luật khó, đối tượng tác động rộng

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định đây là dự án Luật khó, liên quan đến vấn đề chuyên môn sâu, đối tượng tác động rộng, ảnh hưởng căn cốt lợi ích mỗi người dân, chịu sự ràng buộc của nhiều dự án Luật khác.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định đây là dự án Luật khó, liên quan đến vấn đề chuyên môn sâu, đối tượng tác động rộng, chịu sự ràng buộc của nhiều dự án Luật khác. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định đây là dự án Luật khó, liên quan đến vấn đề chuyên môn sâu, đối tượng tác động rộng, chịu sự ràng buộc của nhiều dự án Luật khác. Ảnh: quochoi.vn

Liên quan đến nội dung về tự chủ trong cơ sở y tế công lập, Bộ trưởng Y tế cho biết, dự thảo Luật quy định chung một số vấn đề mang tính nguyên tắc để có định hướng triển khai thực hiện, tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các cơ sở y tế.

Với tầm nhìn lâu dài, Chính phủ sẽ xem xét trình Quốc hội luật riêng về việc thực hiện tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập, ở các lĩnh vực như giáo dục, y tế… qua đó sẽ đưa ra hành lang pháp lý rõ ràng, giải quyết các tồn tại, hạn chế đã tồn tại nhiều năm trong vấn đề này ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ngoài ra, về vấn đề các đại biểu đã nêu về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Bộ trưởng nêu rõ, việc thông qua dự án Luật trong Kỳ họp này là rất quan trọng đối với ngành y tế, để khắc phục những khó khăn, bất cập từ Luật hiện hành, giúp Chính phủ có đủ thời gian tham khảo ý kiến của các bên liên quan, xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa các nội dung Quốc hội đã thông qua; tạo tiền đề xây dựng các Luật khác liên quan đến phòng bệnh, bảo hiểm y tế, cấy ghép mô…

Bộ trưởng mong muốn các đại biểu Quốc hội ủng hộ Chính phủ trong việc sớm thông qua dự án Luật quan trọng này.

Tin liên quan

Đọc tiếp