Giá vải thiều cuối vụ năm nay tăng vọt. Ảnh: Phùng Nguyện/Mekong ASEAN. |
Giá thu mua vải thiều tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang liên tục tăng, đạt mốc cao nhất từ trước đến nay. Theo khảo sát của Mekong ASEAN, giá vải thiều cuối vụ thu mua tại vườn, các điểm cân trên địa bàn huyện Lục Ngạn đang dao động từ 55.000-80.000 đồng, cao gấp đôi với năm 2023.
Tại các cửa hàng bán hoa quả, mức giá dao động 145.000-170.000 đồng/kg, tăng khoảng 40% với cùng kỳ năm ngoái. Còn tại các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố Hà Nội, vải thiều đang rao bán với giá 90.000-120.000 đồng/kg.
Do mức giá nhập vào khá cao, một số khu chợ dân sinh như khu chợ Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng), chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), chợ Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) đa số tiểu thương không bày bán mặt hàng vải thiều.
Chị Thúy, một tiểu thương bán hoa quả tại chợ Bách Khoa chia sẻ, năm nay không bày bán vải thiều vì giá quá cao. "Giá vải năm nay đắt gấp 2-3 lần so với mọi năm nên khách sẽ cân nhắc mua, nhất là trong thời điểm khó khăn như bây giờ. Người tiêu dùng sẽ chuyển hướng sang chọn mua mận, chôm chôm, nhãn thay vì vải," chị Thúy thông tin.
Tại hệ thống siêu thị MM Mega Market, vải thiều đang được bán với giá 95.900 đồng/kg, cao hơn so với mức 79.000 đồng của 2 tuần trước. Hệ thống siêu thị Big C, GO!, Tops Market (thuộc Central Retail Việt Nam) đang bán vải thiều Lục Ngạn với giá 59.900 đồng/kg.
Anh Hùng, một thương nhân ở huyện Lục Ngạn cho biết, trung bình mỗi ngày anh thu mua khoảng 4-5 tấn vải thiều của bà con trong vùng. Giá mua vào biến động theo từng ngày. Chẳng hạn, cách đây 2 tuần, giá vải thiều tại các điểm cân khoảng 50.000-70.000 đồng/kg thì hiện nay giá đã lên 65.000-85.000 đồng/kg. Trong khi đó những năm trước, giá mua vào chỉ khoảng 23.000-28.000 đồng/kg.
"Thông thường, thời điểm cuối vụ giá vải thiều sẽ giảm nhưng năm nay, giá mua cao hơn 2-3 lần so với mọi năm do sản lượng tại 2 vùng trồng Bắc Giang và Hải Dương giảm mạnh. Trước đây, tôi phải thu mua đến 10 tấn vải mỗi ngày. Nhưng năm nay sản lượng vải ít hơn hẳn, chỉ lấy được 3-4 tấn/ngày thôi," anh Hùng nói.
Vải thiều Bắc Giang năm nay được giá nhưng mất mùa. |
Chia sẻ thêm về tình hình trên, ông Sơn, chủ vườn vải tại xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn phân tích: "Thời tiết năm nay không được thuận lợi cho giống vải thiều chính vụ Lục Ngạn, cộng thêm nền nhiệt độ cũng cao hơn mọi năm nên đã ảnh hưởng đến quá trình phân hóa mầm hoa cây vải. Tháng 1 năm nay, tại huyện Lục Ngạn xuất hiện các đợt không khí lạnh ngắn kèm theo mưa kéo dài làm cho cây ra lộc sớm, đến tháng 2 thời tiết lại nắng ấm làm cho hoa khô héo dẫn đến vải thiều chính vụ mất mùa".
Theo ông Sơn, các thương lái năm nay đi khắp nơi để đặt cọc và gom hàng. Những ngày gần đây, không còn thấy cảnh chen chúc chở vải ra trạm cân hay chợ bán mà thương lái tới tận vườn để thu mua. Sản lượng vải giảm, nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu tiêu thụ vải liên tục tăng dẫn đến giá bán cao.
Trao đổi với Mekong ASEAN, ông Lưu Anh Đức, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn cho biết: "Giá vải thiều năm nay biến động theo từng ngày, tăng cao do sản lượng vải ở huyện Lục Ngạn thấp do nhiều gia đình bị mất mùa. Tổng sản lượng quả tại huyện Lục Ngạn năm nay ước đạt 50.000 tấn, giảm 48.500 tấn so với kế hoạch. Đây là năm mất mùa chưa từng thấy trong hơn 3 thập kỷ qua với sản lượng vải sụt giảm khoảng 80 - 90%. Sản lượng năm nay ít nên vụ mùa thu hoạch vải thiều ở Bắc Giang sẽ kết thúc sớm, vào khoảng cuối tháng 6 thay vì kéo dài đến hết tháng 7 như mọi năm.
Không chỉ tỉnh Bắc Giang, vải thiều trồng tại Trung Quốc cũng rơi vào tình cảnh mất mùa. Do đó, các thương nhân Trung Quốc đều mạnh tay gom mua loại quả này để đưa về tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, xuất khẩu sang các thị trường cao cấp khác cũng duy trì tốt. Do đó, vải thiều năm nay tuy mất mùa nhưng giá bán lại cao kỷ lục".
Theo ông Đức, huyện Lục Ngạn có 126 điểm thu mua vải, hơn 1.000 lò sấy và chế biến vải khô. Tuy nhiên, một số điểm cân có những ngày phải tạm ngừng hoạt động vì thiếu hàng. Tổng sản lượng quả tại huyện Lục Ngạn năm nay dự kiến đạt 50.000 tấn. Đến nay, huyện đã hoàn thành được 70-80% mục tiêu.