Ảnh minh họa: Quách Sơn. |
Trên thị trường thế giới, theo dữ liệu từ Oilprice ghi nhận vào đầu giờ sáng 2/5 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent tăng 0,24% lên 83,7 USD/thùng và giá dầu WTI của Mỹ tăng 0,4% lên 79,3 USD.
Trong khi đó, tại thị trường Singapore, trong kỳ vừa qua, giá xăng thành phẩm bình quân tuy tăng so với kỳ trước nhưng mức tăng không quá lớn. Theo cập nhật đến ngày 30/4, giá xăng RON 92 đứng ở mức 104,44 USD/thùng, giảm 0,4 USD; giá xăng RON 95 ở mức 108,75 USD/thùng, giảm 0,33 USD; giá dầu diesel ở mức 104,86 USD/thùng, tăng 1,54 USD so với thời điểm kỳ điều hành trước (ngày 25/4).
Do đó, dự báo trong kỳ điều hành chiều nay, giá xăng có thể tăng nhẹ khoảng 50-90 đồng/lít; trong khi đó, giá dầu có khả năng biến động trái chiều, với mức tăng giảm nhẹ đan xen.
Trong trường hợp cơ quan điều hành chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ. Từ tháng 10/2023, Quỹ bình ổn giá chưa được chi sử dụng lần nào.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 17 phiên điều chỉnh, trong đó có 6 phiên giảm và 9 phiên tăng và 2 phiên trái chiều.
Trước đó, tại kỳ điều hành gần nhất ngày 25/4, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm giá bán lẻ xăng và nhiều loại dầu.
Cụ thể, giá xăng E5 RON92 giảm 307 đồng/lít, không cao hơn 23.919 đồng/lít, giá xăng RON95 giảm 322 đồng/lít, không cao hơn 24.915 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu được điều chỉnh giảm sâu hơn, với dầu diesel giảm 730 đồng, giá bán mới là 20.716 đồng/lít; dầu hỏa giảm 730 đồng, giá bán mới là 20.686 đồng/lít.
Riêng dầu mazut tăng 202 đồng, giá bán không cao hơn 17.408 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành lần này, cơ quan điều hành quyết định không trích lập quỹ đối với các mặt hàng xăng dầu. Đồng thời, không chi sử dụng quỹ đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.