Trong phiên chất vấn chiều 11/11, trước câu hỏi dồn dập từ các đại biểu Quốc hội từ nhiều tỉnh thành, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã giải trình hàng loạt vấn đề liên quan đến tỷ lệ giải ngân thấp, tiến độ giải ngân chậm trễ cũng như giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn tới.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp: Trách nhiệm chủ yếu nằm trong khâu tổ chức thực hiện
Trả lời câu hỏi của đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) về vấn đề vì sao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công và ODA đến hết tháng 10/2021 vẫn thấp hơn nhiều so với kế hoạch đặt ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải quá trình giải ngân vốn đầu tư công bị ảnh hưởng bởi cả các nguyên nhân chủ quan khách quan.
Về nguyên nhân chủ quan, thứ nhất là do công tác chuẩn bị dự án còn kém, chất lượng không cao, chủ yếu mang tính hình thức, sau khi được chấp thuận chủ trương mới bắt đầu thực hiện thực tế, do đó mất thời gian điều chỉnh.
Thứ hai là về giải phóng mặt bằng, do quy định của Luật Đất đai không giải quyết triệt để dẫn đến vướng mắc trong giải phóng mặt bằng về nguồn gốc đất đai, giá đền bù, tranh chấp, khiếu kiện, ý thức người dân…
Về nguyên nhân khách quan, trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các biện pháp giãn cách xã hội nên tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm lại. Bên cạnh đó, các hiện tượng chi phí nguyên, nhiên vật liệu tăng, thiếu lao động, chi phí logistics tăng cao… cũng là một trong những nguyên nhân.
Theo Bộ trưởng Dũng, trong số 63 tỉnh, thành có khoảng 30 tỉnh, thành đến hết tháng 10 mới giải ngân vốn đầu tư công dưới 60%.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, giải ngân vốn đầu tư công thấp, trách nhiệm chủ yếu nằm trong khâu tổ chức thực hiện. Còn phía Bộ KH&ĐT đã thực hiện phân cấp cho địa phương mọi thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư tất cả các dự án nhóm A, B, C, từ thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, điều chỉnh chủ trương đầu tư, phê duyệt, giao vốn chi tiết, điều chỉnh kế hoạch…
“Phía Bộ KH&ĐT đã thực hiện phân cấp cho địa phương mọi thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư tất cả các dự án nhóm A, B, C... Bản thân Bộ KH&ĐT hiện nay chỉ còn có 3 chức năng chính là xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, đảm bảo đúng chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí để báo cáo Quốc hội cho kế hoạch 5 năm; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí để điều hành trong kế hoạch hàng năm. Còn lại tất cả các vấn đề lựa chọn dự án, phê duyệt dự án, thẩm định dự án, điều chỉnh dự án, kéo dài hay không, giao vốn chi tiết đều đã giao triệt để, phân cấp triệt cho tất cả các bộ, ngành, địa phương”
Trước câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội) tiếp tục chất vấn về vấn đề trách nhiệm trong chuyển nguồn vốn đầu tư công: “Khi đi giám sát tại địa phương chúng tôi được nghe trách nhiệm đó thuộc về Trung ương. Nhưng khi làm việc với Bộ chủ quản thì chúng tôi lại được nghe nguyên nhân đó thuộc về địa phương. Ngày hôm nay có cả Trung ương và địa phương trong hội trường này, đề nghị Bộ trưởng làm rõ vấn đề này”.
Trước chất vấn của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đáp: “Dự án giao cho cơ quan nào thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Dự án của địa phương thì địa phương phải chịu trách nhiệm. Dự án của Trung ương thì Trung ương phải chịu trách nhiệm. Còn cấu phần nào dự án của Trung ương trên địa bàn mà có cấu phần liên quan đến địa phương và đã giao cho địa phương thì địa phương phải chịu trách nhiệm”.
Sẽ tăng cường rà soát các kế hoạch vốn mà các bộ, ngành, địa phương trình lên
Trả lời câu hỏi của đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) về thực trạng lập kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công không sát thực tiễn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đồng tình với ý kiến này và khẳng định vấn đề của giải ngân vốn đầu tư công hiện nay không nằm ở luật pháp, vì luật pháp và chính sách đã rất rõ ràng, rất đầy đủ, trên tinh thần phân cấp triệt để cho các địa phương.
Nguyên nhân có thể đến từ phía các địa phương, bộ, ngành thờ ơ hoặc chưa làm hết trách nhiệm, dẫn đến đề xuất được vốn rất lớn nhưng trên thực tế không giải ngân được. Ngoài ra, Bộ trưởng Dũng thừa nhận Bộ KH&ĐT có một phần trách nhiệm do “nể nang” dẫn đến tổng hợp và đưa lên số không sát thực tiễn, dẫn đến nguy cơ điều chuyển vốn, trả lại vốn, hủy vốn, không hiệu quả...
“Chúng tôi cũng xin nhận một phần trách nhiệm trong rà soát các kế hoạch vốn mà các bộ, ngành và các địa phương có trình lên. Chúng tôi xin hứa sẽ cố gắng khắc phục vấn đề này trong thời gian tới”
Về giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng trong thời gian tới, các Bộ, ban ngành và địa phương cần thực hiện quyết liệt hơn, nghiêm túc hơn các nghị quyết của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 63 để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Cùng với đó, cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, đấu thầu… Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng cũng phải phát huy tinh thần để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc, thúc đẩy giải ngân một cách đồng bộ từ Trung ương tới địa phương.
Theo Bộ trưởng Dũng, Bộ KH&ĐT cũng đang rà soát lại những vấn đề vướng mắc trong Luật Đầu tư để tiếp tục hoàn thiện và cải cách các thể chế liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công.