Giám đốc Bệnh viện 108: ‘Muốn chuyển đổi số phải thay đổi từ tư duy của người đứng đầu’

Giám đốc Bệnh viện 108: ‘Muốn chuyển đổi số phải thay đổi từ tư duy của người đứng đầu’

Y Tế bệnh viện 108
14:52 - 10/02/2024

Hai năm đại dịch Covid-19 đã khiến hoạt động khám chữa bệnh trên toàn cầu có những thay đổi bất ngờ: khám bệnh từ xa, chẩn đoán trực tuyến bỗng trở thành thường quy, dù chưa nước nào có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước đó. Thực tế này cũng diễn ra ở Việt Nam, trong những bệnh viện lớn nhất cả nước thời điểm đó. Còn sau đại dịch thì sao?

Đó là câu hỏi mà phóng viên Mekong ASEAN đặt ra với Thiếu tướng PGS. TS. Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong cuộc trò chuyện đầu Xuân Giáp Thìn 2024.

Phó Giáo sư Lê Hữu Song: Một số quốc gia trên thế giới đã đưa ra những chiến lược, chương trình hành động chuyển đổi số cụ thể, nhất là trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe. Không nằm ngoài xu thế đó, hoạt động chuyển đổi số tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đang được quan tâm với mong muốn có sự hợp tác với các đơn vị trong và ngoài bệnh viện để có thể phát triển hơn nữa, phục vụ tốt cho công tác khám chữa bệnh.

Bệnh viện bắt đầu tiến hành các bước chuyển đổi số từ 2 năm trước trong bối cảnh đại dịch Covid-19, bằng phương án kết nối giữa bệnh án và nhân viên y tế làm việc trong khu cách ly, từ đó giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu đánh giá một cách nghiêm túc thì hiện nay hoạt động chuyển đổi số tại bệnh viện chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cũng như kỳ vọng của chúng tôi.

Chúng tôi đang triển khai số hóa các quy trình hành chính, mức độ chuyển đổi số còn khiêm tốn. Trong khi đó, bệnh viện vẫn đang gặp một số vấn đề về mặt kỹ thuật như hệ thống phần mềm đang ứng dụng trong nội bộ bệnh viện và hoạt động kết nối Internet chưa tốt. Đó là thực tiễn buộc bệnh viện phải thật sự quyết liệt trong chuyển đổi số để có thể đạt được kết quả tích cực.

Phó Giáo sư Lê Hữu Song: Chuyển đổi số nghe thì có vẻ đơn giản, ai cũng tưởng là làm được ngay, nhưng đối với bệnh viện thì không hoàn toàn như thế. Trước hết phải chuyển đổi tư duy từ chính người lãnh đạo - Đảng ủy và Ban giám đốc - lan tỏa xuống tất cả các thành viên trong đơn vị, rồi mới chuyển đổi quy trình hoạt động.

Với vai trò, trách nhiệm của người lãnh đạo, chúng tôi sẽ hiểu được bệnh viện, cấp dưới và bệnh nhân đang cần gì. Nếu như người đứng đầu không tích cực tự mình chuyển đổi, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, thì sẽ không thể biết được hướng đi nào là phù hợp với bệnh viện và cũng sẽ không yêu cầu được anh em thay đổi.

Muốn chuyển đổi số hiệu quả thì cần có các công ty công nghệ hỗ trợ về mặt giải pháp để triển khai. Chúng tôi đã làm việc với gần 30 công ty và chốt phương án triển khai từng hợp phần (module), mỗi hợp phần chia ra các phân hệ khác nhau để đồng loạt thực hiện chứ không phải làm rải rác. Khâu nào phát huy hiệu quả thì triển khai trước.

Hiện tại, bệnh viện đã xây dựng sơ bộ mô hình bệnh án điện tử cho nhóm bệnh nội khoa và ngoại khoa dựa trên các quy trình chuyên môn đang thực hiện. Dự kiến đến hết năm 2024 các bệnh nhân dân sự có thể đăng ký khám chữa bệnh, xếp lịch và nhận kết quả online.

Phó Giáo sư Lê Hữu Song: Chúng tôi đã thực hiện được hầu hết những kỹ thuật ngoại khoa phức tạp bậc nhất mà các nền y học tiên tiến trên thế giới đang thực hiện, đòi hỏi trình độ tay nghề cao, trang thiết bị dụng cụ máy móc hiện đại, đồng bộ.

Ví dụ như phẫu thuật nội soi lấy mảnh gan ghép từ người hiến sống hiện chỉ có một số ít trung tâm ghép gan tại các quốc gia có nền y học phát triển như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc mới có thể thực hiện được. Ở nước ta, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là cơ sở y tế duy nhất triển khai kỹ thuật này và đã có 20 trường hợp được thực hiện phương pháp này.

Thế giới đã thực hiện thành công hơn 20 trường hợp phẫu thuật nội soi ghép gan toàn bộ ở người nhận. Bệnh viện đã triển khai phẫu thuật nội soi cắt gan toàn bộ cho 8 trường hợp. Đây là bước đầu tiên giúp hoàn thiện kỹ thuật, chuẩn bị cho thực hiện phẫu thuật nội soi ghép gan toàn bộ ở người nhận trong thời gian tới.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hiện có khả năng ghép được 8 tạng trong số 11 tạng mà thế giới ghép. Tuy nhiên chúng tôi xác định tập trung ghép ba mô tạng chủ yếu đó là ghép gan, ghép thận và ghép tế bào gốc. Trong ghép tế bào gốc thì có cả sử dụng điều trị liệu pháp tế bào, liệu pháp gene để chỉnh sửa tế bào.

Chúng tôi triển khai xây dựng dự án ghép tim nhưng chủ yếu tập trung vào sử dụng tim nhân tạo, nếu thành công thì việc chủ động nguồn hiến, nguồn tạng ghép là rất tốt. Đây là hướng đi mà thế giới đang triển khai.

Phó Giáo sư Lê Hữu Song: Khi bệnh viện triển khai bất kỳ kỹ thuật mới nào, người bệnh cũng sẽ được hưởng lợi thông qua được điều trị hiệu quả hơn, ít mất sức hơn, chăm sóc tốt hơn... Tuy nhiên, để người bệnh được thụ hưởng tốt nhất thì cần có chính sách chi trả bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội phù hợp cho cả ba bên.

Về chi phí, khi người bệnh sử dụng những kỹ thuật được ứng dụng, triển khai, chuyển giao thành công tại các bệnh viện trong nước đương nhiên sẽ đỡ tốn kém hơn rất nhiều. Một ca ghép gan thực hiện tại Singapore có giá lên đến khoảng 8 tỷ đồng, trong khi ghép gan tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chỉ phải chi trả chưa đến 1 tỷ đồng.

Chữa bệnh tại Việt Nam còn tiết kiệm được các chi phí đi lại, ăn ở của bệnh nhân và người nhà. Nếu đi nước ngoài điều trị, sau khi phẫu thuật, người bệnh vẫn phải quay lại để kiểm tra, theo dõi. Trong khi đó, chúng tôi đã làm chủ các kỹ thuật tiên tiến nên phẫu thuật tại Việt Nam, việc đi lại, chăm sóc, theo dõi đều thuận lợi.

Đọc tiếp