Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn doanh nghiệp 2 nước tăng cường hợp tác trong giao thương nông sản. |
Tại "Hội nghị thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt - Trung trong bối cảnh mới", tổ chức tại Lạng Sơn sáng 14/2, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan đã nhắc lại quan hệ buôn bán giữa hai nước từ thời còn giao thương chủ yếu qua đường mòn, lối mở.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, thông qua giao thương các thương nhân Trung Quốc đã có nhiều chia sẻ, giao lưu kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp với người nông dân Việt nhiều năm qua. "Điều này cho thấy quan hệ giao thương nông sản cần phải được nhìn ở góc độ rộng hơn, thay vì chỉ là chuyện lỗ - lãi”, Bộ trưởng đánh giá.
"Người nông dân nên bỏ dần tư duy buôn chuyến, buôn bán thương mại sang hợp tác song phương. Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng các đơn vị liên quan cam kết sẽ làm mọi cách để thúc đẩy quan hệ hợp tác giao thương với Trung Quốc, để hai bên có thể đồng hành một cách bền vững, lâu dài”.
Thông qua kinh doanh, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ mong muốn các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sẽ tạo ra sức phát triển cho cộng đồng. Từ hợp tác đó, lợi nhuận sẽ tự được tạo ra. Bộ trưởng cũng tin rằng kinh doanh không còn là việc tư, mà dần chuyển thành một công việc chung, được cơ quan quản lý, xã hội, người dân ngày càng quan tâm.
Chính phủ luôn đề cao thị trường Trung Quốc
Nhấn mạnh thông điệp Chính phủ Việt Nam luôn đề cao thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi sự vào cuộc mạnh mẽ của các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Thông qua giao thương kinh tế, Việt Nam muốn khẳng định là quốc gia sản xuất có trách nhiệm trên thế giới.
Trong những năm qua, ngành nông nghiệp đã xây dựng và triển khai nhiều chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển bền vững. Từ đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT xem 2023 là năm chuẩn hóa các công tác quản lý, từ khâu canh tác, logistics, cũng như quan hệ thương mại với các nước.
Lý giải về điều này, Bộ trưởng nói thị trường thế giới ngày càng trở nên khó đoán. Nhà sản xuất giờ không những phải đối đầu với biến đổi khí hậu mà còn phải ứng phó với biến chuyển xu thế tiêu dùng. Áp lực cạnh tranh giờ không dừng lại ở từ các nước láng giềng mà thậm chí đến từ chính thị trường trong nước.
Mỗi thị trường có một văn hóa, mỗi người tiêu dùng có một thói quen. Đối với Trung Quốc, người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam cho rằng, việc thích ứng với những lệnh như 248, 249 và sắp tới là 259 sẽ giúp doanh nghiệp Việt sản xuất, xuất khẩu một cách bền vững.
Một điểm nữa được Bộ trưởng nhắc đến, là “sức ì” xuất hiện tư tưởng hài lòng với con số lợi nhuận. “Thành công của hợp tác giao thương không chỉ dừng ở việc buôn bán có lãi một vài chuyến, mà cần phải tạo ra một hệ sinh thái ngành hàng, cũng như sức lan tỏa trong toàn xã hội, giúp người dân yên tâm sản xuất trên chính cánh đồng của mình”, tư lệnh ngành nông nghiệp nhấn mạnh.
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan kỳ không không chỉ Lạng Sơn nói riêng mà 63 tỉnh/thành phố cả nước nói chung có thể gắn kết hơn nữa, để đưa giao thương nông sản với Trung Quốc gấp 10, gấp 100 lần hiện tại.
Đường sắt giúp giảm ùn tắc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. |
Đẩy mạnh giao thương nông sản 2 nước bằng đường sắt
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, từ ngày 8/1/2023, khi Trung Quốc điều chỉnh giảm cấp độ chính sách phòng, chống dịch Covid-19 từ nhóm A xuống nhóm B, các biện pháp kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh trong hoạt động xuất nhập cảnh và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu được nới lỏng.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn có quy định phương thức cắt nối moóc như lúc dịch khiến chi phí phát sinh cao. Bên cạnh đó, lái xe Việt Nam khi lái phương tiện xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 theo phương pháp PCR, ảnh hưởng đến thời gian chờ đợi tại các cửa khẩu.
Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, Trung Quốc có xu hướng giảm dần và tiến tới dừng hình thức xuất khẩu “tiểu ngạch”.
Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc.
Do đó, Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT cho hai nước cần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo khâu kiểm dịch hàng nông sản tại ga đường sắt Đồng Đăng - Bằng Tường và ga đường sắt Lào Cai – Hà Khẩu. Hai bên tăng cường hợp tác, đầu tư kho lạnh, kho bảo quản hàng nông sản tại khu vực hai bên biên giới của mỗi nước.