Giữ tính “nhân” trong trí tuệ nhân tạo và những lo ngại tiềm ẩn về đạo đức

Giữ tính “nhân” trong trí tuệ nhân tạo và những lo ngại tiềm ẩn về đạo đức

AI. THẾ GIỚI
07:09 - 04/04/2022
Sự tham gia của AI cũng như các công cụ AI ngày càng gia tăng, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý nhân sự (HR) - một lĩnh vực trọng yếu liên quan tới con người trong mọi doanh nghiệp. Điều này làm bật lên câu hỏi về quản lý và sự cân bằng AI – con người.

Đóng vai trò kết nối giữa nhân viên với doanh nghiệp và đảm bảo môi trường làm việc lành mạnh nhằm tăng hiệu suất của người lao động, bộ phận nhân sự luôn phải chịu nhiều áp lực với khối lượng công việc lớn. Sự tham gia của công nghệ trí tuệ nhân tạo đã đem tới nhiều tác dụng trong cắt giảm những chi tiết hành chính lặt vặt tốn thời gian và giúp tăng sự tập trung vào các khía cạnh khác chiến lược hơn của quản lý nhân sự.

Trên lý thuyết, các công cụ nhân sự dựa trên AI có nhiều dạng và được thiết kế để đảm nhiệm một số khía cạnh của công việc nhân sự như tuyển dụng, đào tạo, phúc lợi hoặc gắn kết nhân viên.

Tuy nhiên, áp dụng AI trong lĩnh vực nhân sự lại đang đối mặt với 2 phản ứng trái ngược từ con người.

Trong khi một bên tôn thờ sự hoàn hảo của AI, bên còn lại cảm thấy sợ hãi trí tuệ nhân tạo quá mức. Nếu người tạo ra những công cụ này lợi dụng sự bí ẩn và “hào quang hoàn hảo” của AI để quảng cáo sản phẩm, chúng có thể khiến nhiều người tin rằng AI là toàn năng và không thể hiểu được với người thường.

Ngược lại, những khả năng của AI lại khiến nhiều người cảm thấy sợ hãi công nghệ này. Trong bối cảnh quản lý nhân sự là nơi mỗi một chi tiết đều xoay quanh yếu tố con người, các quyết định tại đây có thể gây ra tác động đáng kể tới cuộc sống người lao động. Quá sợ hãi về AI sẽ khiến người dùng bỏ lỡ những cơ hội thực sự để làm cho các quy trình trở nên công bằng và hiệu quả hơn.

Chính sự chia rẽ này đã khiến nhiều người tin rằng việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực nhân sự một cách có trách nhiệm và hiệu quả gặp khó khăn. Trong số những thách thức đặt ra bởi việc ứng dụng AI trong nhân sự, một nguyên tắc nổi lên mang tính quyết định: con người nên là bên có tiếng nói cuối cùng trong các lựa chọn mang tính rủi ro cao. Nhiều người cho rằng đây chính là phần cốt lõi của việc duy trì tính “nhân” trong việc ứng dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo.

Tuy nguyên tắc này nhận được sự đồng thuận rộng rãi, việc ứng dụng nguyên tắc này vào thực tế có thể gặp tương đối nhiều thách thức. Những người sử dụng các công cụ dựa trên AI thường nghiêng hẳn về hai thái cực đối lập. Việc yêu cầu người dùng đưa ra quyết định cuối cùng cũng có thể gây ra nguy cơ làm nghiêm trọng thêm các vấn đề mà AI đang muốn giải quyết.

Thái độ đối lập trong lĩnh vực AI cũng được thể hiện rất rõ thông qua những nhà sáng lập, giám đốc điều hành của các tập đoàn công nghệ khổng lồ trên thế giới, thậm chí cả những nhà khoa học nổi tiếng.

Trong khi nhà sáng lập Meta Platforms - Mark Zuckerberg tỏ ra khá lạc quan về viễn cảnh ứng dụng của AI trong môi trường công việc và cả đời sống của con người, những nhân vật khác như nhà sáng lập hãng xe điện Tesla Elon Musk, nhà sáng lập Microsoft - Bill Gates và cố giáo sư ngành vật lý lý thuyết Stephen Hawking đã đều tỏ ra khá bi quan.

Trong một bài phát biểu tại sự kiện Facebook Social Good Forum năm 2017, ông Mark Zuckerberg nhấn mạnh vào niềm tin của mình vào tương lai của AI. Ông nhận định: “Trong vòng 5 đến 10 năm tới, AI sẽ đem lại nhiều cải thiện cho chất lượng cuộc sống của con người”. Đồng thời, ông cho rằng những người nói về ngày tận thế gây ra bởi AI là những người tiêu cực và “thiếu trách nhiệm”.

Ngược lại, tỷ phú Elon Musk lại cho rằng AI sẽ tạo ra nhiều nguy hiểm hơn cho con người so với bom hạt nhân. "Hãy nhớ lời tôi nói hôm nay," ông chia sẻ rằng mình đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều công nghệ AI tân tiến và ông cảm thấy mọi người nên đều nên quan tâm tới viễn cảnh robot có thể thực hiện mọi công việc tốt hơn nhiều lần so với con người.

Tuy nhà sáng lập của Tesla và Neuralink – startup nghiên cứu việc cấy ghép công nghệ vào não con người – là một người ủng hộ AI, ông luôn phản đối tốc độ phát triển quá nhanh của ngành chế tạo người máy. Do đó, ông đã thiết lập nên Neuralink nhằm thúc đẩy giao tiếp giữa con người và máy móc để tránh cho thế giới trở thành một phiên bản thực của bộ phim “Kẻ hủy diệt” – nơi mà robot chiếm quyền kiểm soát nhân loại.

Nhà vật lý học Stephen Hawking cũng từng cảnh báo nhân loại về sự lớn mạnh của AI. Theo ông, máy tính có thể mô phỏng trí thông minh của con người và thậm chí còn vượt xa. Do đó, sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) có thể trở thành “sự kiện tồi tệ nhất trong lịch sử văn minh nhân loại” trừ khi xã hội tìm cách kiểm soát sự phát triển của nó.

Ông thừa nhận những tiềm năng của AI trong việc khắc phục thiệt hại cho thế giới tự nhiên cũng như mọi khía cạnh trong xã hội như công việc và y tế, nhưng ông cũng cho rằng tương lai phía trước không hề được đảm bảo. Sự thành công của AI có thể là sự kiện lớn nhất trong lịch sử loài người nhưng cũng có thể trở thành điều tồi tệ nhất.

Ông chia sẻ: “Chúng ta không biết rõ liệu mình có được AI giúp đỡ vô điều kiện, hay bị phớt lờ và đẩy qua một bên, hay tệ hơn là bị hủy diệt”.

Nhằm đối phó với viễn cảnh này, nhà sáng lập Microsoft - Bill Gates chính là người đã đưa ra đề xuất đánh thuế thu nhập đối với robot.

Do đó, chỉ đơn giản nói rằng con người sẽ có tiếng nói cuối cùng trong một lựa chọn mang tính rủi ro cao là không đủ. Nếu người dùng thiếu tự tin hoặc không đủ tin tưởng, hệ thống AI sẽ trở nên mơ hồ về cách thức hoạt động của các quy trình. Việc sử dụng các công cụ nhân sự dựa trên AI do đó sẽ trượt về phía cực đoan xuất phát từ thuật toán hoặc từ một người nào đó giữ quyền kiểm soát duy nhất.

Các quyết định của cả con người lẫn AI đều không hoàn hảo. Để hiểu rõ hơn về những điểm không hoàn hảo đó, nguồn lực và sự tập trung trong việc thiết kế một hệ thống đồng bộ được coi là vô cùng cần thiết.

Để giúp xây dựng được các công cụ AI hài hòa được cả yếu tố con người và máy móc, các nghiên cứu và các biện pháp thực hành đều cần tập trung vào 3 công tác chính. Cụ thể, những phương hướng này bao gồm tập hợp và trang bị cho mọi người kỹ năng cần thiết, phá bỏ “hào quang hoàn hảo” của AI và thiết lập cơ sở hạ tầng tổ chức cần thiết.

Để có thể vượt qua được nỗi sợ về AI, đặc biệt trong lĩnh vực nhân sự, sự tham gia của nhiều bên liên quan trong quá trình lựa chọn và áp dụng các công cụ dựa trên AI đóng vai trò trọng yếu. Cả hai bên chuyên gia nhân sự cũng như người lao động – những người bị tác động bởi các công cụ này đều cần tham gia một cách tích cực.

Hơn nữa, mọi người cũng nên được khuyến khích tìm hiểu những kiến thức cơ bản về cách thức hoạt động của hệ thống AI. Trên thực tế, những điều cơ bản này đều có thể được nắm bắt và không hề yêu cầu kiến thức nền chuyên sâu để có thể hiểu được.

Câu hỏi là, nếu được trang bị những kiến thức cơ bản này, liệu mỗi cá nhân có thể chứng minh mình có giá trị hơn các chuyên gia công nghệ thông tin hoặc các nhà khoa học dữ liệu trong việc quyết định một công cụ dựa trên AI? Như một kết quả tất yếu, sự tham gia tích cực và mức hiểu biết gia tăng sẽ dẫn tới một sự lựa chọn công cụ AI phù hợp với tổ chức cũng như sự giảm thiểu số lượng những người dùng sợ hãi.

Cùng với việc cải thiện nỗi sợ AI của nhiều người, những người tạo ra các công cụ dựa trên AI có lẽ cũng cần phải tránh xa việc quảng cáo AI như một công cụ toàn năng, mạnh mẽ và bí ẩn.

Thay vì hướng tới khía cạnh hoàn hảo và toàn năng của AI, các nhà phát triển nên hướng tới việc nhấn mạnh các thiết kế dễ hiểu, đáng tin cậy và mang tính hỗ trợ cao.

Đây không chỉ là một phương pháp hướng tới một tương lai sử dụng AI có trách nhiệm hơn mà còn là một cách tiếp cận được các tổ chức đánh giá cao trong bối cảnh những lo ngại tiềm ẩn về vấn đề đạo đức và pháp lý trong việc sử dụng công cụ AI trong nhân sự ngày càng gia tăng.

Các đề xuất của AI có thể được kết hợp như dữ liệu đầu vào dưới sự giám sát của con người một cách hiệu quả hơn nhiều một khi công cụ được thiết kế rõ ràng về cách thức hoạt động. Đồng thời, các công cụ này cũng cần cung cấp giải thích cho các đề xuất của mình và trở nên ít khoa trương hơn trong các tuyên bố.

Trên hết, các tổ chức cũng cần nhận thức được rằng việc sử dụng các công cụ AI, đặc biệt là công cụ nhân sự dựa trên AI đòi hỏi một kế hoạch được thiết kế chi tiết. Trọng tâm của việc lập kế hoạch nên được tập trung vào mối quan hệ giữa con người và AI cũng như sự hài hòa giữa cả yếu tố con người và máy móc.

Việc lập kế hoạch cũng cần bao gồm việc thực hiện đầy đủ hai bước trước đó: cung cấp đầy đủ kiến thức nền về AI và thiết kế công cụ trở nên dễ tiếp cận hơn.

Nhận định cá nhân sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự cân bằng giữa AI và con người. Do đó, các tổ chức được khuyến cáo cần đưa ra những hướng dẫn và cách tiếp cận mang tính xây dựng về cách nhân viên nên sử dụng công cụ AI kết hợp với những hiểu biết và đánh giá của riêng mình - trong một nỗ lực giữ tính “nhân” của AI.

Đọc tiếp