Doanh nghiệp kiều bào mong muốn được gỡ rối trên con đường đầu tư về nước. Ảnh: VOV.vn |
Đánh giá cao sự quan tâm, ủng hộ của các doanh nghiệp kiều bào trong những năm qua, ông Phan Chí Thành, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan nêu ra yêu cầu cần thúc đẩy kết nối, hiện thực hóa các tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai bên.
Phát biểu tại Diễn đàn đối thoại với doanh nhân kiều bào về đầu tư và thương mại chiều 4/3, Đại sứ Phan Chí Thành cho biết, Thái Lan là đối tác đầu tư lớn thứ 8 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam, với 645 dự án và tổng vốn đạt trên 13 tỷ USD.
Các nhà đầu tư lớn của Thái Lan đều coi Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng và có kế hoạch mở rộng đầu tư. Tuy nhiên, các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Kiều Thái Lan về Việt Nam lại vẫn còn khá khiêm tốn trong bức tranh chung đó.
“Chúng tôi nhận thấy, xúc tiến thương mại, đầu tư thông qua kết nối doanh nghiệp kiều bào tại Thái Lan và các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam là một kênh rất hiệu quả, vừa nhằm thu hút nguồn FDI và xúc tiến thương mại, vừa tăng cường sự gắn bó lợi ích với quê hương đất nước một cách bền chặt. Thực tế này cũng có thể giống với tình hình các doanh nghiệp của kiều bào ta tại một số nước trên thế giới”.
Trong khi đó, chia sẻ về khó khăn, vướng mắc khi đầu tư về Việt Nam, doanh nhân Việt kiều tại Thái Lan Trần Minh Tiến, người đang có công ty triển khai 4 dự án điện gió tại Gia Lai và Quảng Trị thể hiện sự đồng tình với các chính sách vĩ mô của Đảng và Chính phủ.
Tuy nhiên ông Tiến cho rằng, khi đi vào thực hiện cần rõ ràng hơn trong việc phân công chức năng nhiệm vụ của các cơ quan ban ngành. Với dự án có tổng đầu tư là 264 triệu USD, toàn bộ bằng nguồn vốn cổ đông, ông Tiến cho biết trong quá trình thực hiện các dự án tại Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn dù đã làm việc lâu năm tại lĩnh vực này .
"4 dự án điện gió nằm trong kế hoạch đầu tư đã không chạy kịp tiến độ để đạt được giá tốt vào hạn 31/10, thay vào đó là phải nhận mức giá mới chưa tính được lỗ/lãi. Bên cạnh đó, chi phí logistics Việt Nam hiện nay đang cao, tồn tại sự nhũng nhiễu gây cản trở cho các nhà đầu tư nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ".
Do đó, vị Việt kiều này mong muốn được Chính phủ Việt Nam hỗ trợ và tạo điều kiện, cơ chế thông thoáng hơn nữa cho các doanh nghiệp kiều bào đầu tư tại Việt Nam. Đồng thời, ông Tiến đề xuất xây dựng một trung tâm gỡ rối có các chuyên gia trên các lĩnh vực đầu tư khác nhau để hỗ trợ cho các doanh nhân Việt kiều.
Cùng chung chia sẻ khó khăn khi về nước đầu tư, một Việt kiều tại Australia là ông Nguyễn Thanh Hoàng cho biết, dự án đầu tư cách đây 10 năm của công ty ông đã được địa phương cấp đất với giá thời điểm đó, nhưng sau 10 năm, thanh tra làm việc với tỉnh yêu cầu truy thu vì giá đất thời điểm đó quá thấp. Ông Hoàng cho biết đã gửi văn bản khiếu nại 4 năm rồi mà chưa được giải quyết, dự án cũng bị nghẽn lại vì lý do này.
Đồng kiến nghị với ông Tiến, ông Nguyễn Thanh Hoàng cũng cho rằng cần có một trung tâm hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp kiều bào để giải quyết rõ ràng, minh bạch và nhanh chóng các vấn đề vướng mắc cũng như các khiếu nại.
Tiếp nhận những phản ánh từ các doanh nghiệp và thông tin đến diễn đàn về chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, kết quả thu hút đầu tư nước ngoài thời gian qua đã có sự đóng góp quan trọng của các doanh nhân kiều bào.
Diễn đàn đối thoại với doanh nhân kiều bào về đầu tư và thương mại, chiều 04/3. |
Hiện nay đầu tư của Việt kiều có 376 dự án tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ và với khoảng 1,72 tỷ USD tập trung chủ yếu vào ngành chế biến chế tạo tại 42/63 tỉnh/thành phố trên cả nước. Con số này chỉ mang tính tương đối vì còn có các hình thức đầu tư gián tiếp qua kiều hối về Việt Nam. Trung bình mỗi năm kiều hối đưa về Việt Nam khoảng trên 10 tỷ USD trở thành nguồn lực lớn phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Định hướng cho các doanh nghiệp kiều bào trong thời gian tới, ông Hoàng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu sẽ gắn kết với các doanh nghiệp trên 3 phương diện: Gắn thúc đẩy đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp kiều bào vào Việt Nam; thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài với sự hỗ trợ của kiều bào nước sở tại và thứ ba là xây dựng tri thức, nhà khoa học, doanh nhân kiều bào vào mạng lưới đổi mới sáng tạo.
“Cục Đầu tư nước ngoài đang triển khai các chính sách của Chính phủ liên quan đến hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư tiếp tục được cải cách về thủ tục hành chính, tạo sự linh hoạt và những điều kiện, cơ chế thông thoáng cho các kiều bào”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Ghi nhận ý kiến của các doanh nhân kiều bào, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cũng mong muốn các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài theo đúng tinh thần của Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị, xây dựng môi trường thuận lợi, thân thiện hơn nữa để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.
“Các kiều bào trên tại các vùng quốc gia/lãnh thổ nên theo dõi từng bước phát triển của Tổ quốc và cân nhắc những cơ hội đầu tư để cùng hợp tác, đặc biệt về đầu tư xanh và bền vững, phát triển công nghiệp, công nghệ cao, ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, góp sức xây dựng quê hương”, Thứ trưởng Hiệu nhấn mạnh.