Ông Trần Công Kha – Chủ tịch HĐQT VRG báo cáo tại đại hội. |
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra ngày 16/6 vừa qua, GVR cho biết, năm 2022, công ty mẹ của GVR thu về 3.845 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.730 tỷ đồng, lần lượt vượt kế hoạch năm 7,4% và 43%.
Năm 2023, GVR đặt mục tiêu đạt 3.792 tỷ đồng doanh thu của công ty mẹ, lợi nhuận sau thuế đạt 1.395 tỷ đồng, giảm lần lượt 1,38% và 19,39% so với năm 2022. Doanh thu và lợi nhuận hợp nhất của GVR đạt lần lượt 27.527 tỷ đồng và 4.264 tỷ đồng, giảm 2,76% và 10,29% so với năm 2022.
Cuộc họp có sự tham gia của 50 cổ đông, đại diện cho 3,87 tỷ cổ phần tại doanh nghiệp, tương ứng chiếm 96,81% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự của GVR.
Năm 2022 GVR dự kiến chia cổ tức công ty mẹ với tỷ lệ 3,5%/vốn điều lệ, tương ứng 1.400 tỷ đồng. Năm 2023, công ty mẹ dự kiến sẽ giảm tỷ lệ chia cổ tức xuống còn 3% (tương ứng 1.200 tỷ đồng).
Việc hạ chỉ tiêu kinh doanh năm 2023, GVR nhận định do năm 2023 là một năm khó khăn của doanh nghiệp khi các lĩnh vực hoạt động đều gặp khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực cao su (chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu). Cụ thể, giá mủ cao su liên tục giảm và khó tiêu thụ, công nghiệp cao su khó tăng trưởng khi chịu sự cạnh tranh lớn từ các doanh nghiệp khác, khối thủy điện hoạt động thuận lợi nhưng quy mô nhỏ…
Trong vấn đề chuyển đổi đất, thành viên HĐQT GVR Phạm Văn Thành cho biết, doanh nghiệp đặt kế hoạch đến năm 2030 sẽ chuyển đổi 40.000 ha đất cao su thành khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Trong đó, đến năm 2025, doanh nghiệp hướng đến chuyển đổi 7.000 – 8.000 ha cao su.
Về tình hình chuyển đổi đất tại hai thành viên của GVR là CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) và CTCP Cao su Phước Hòa (PHR), ông Thành chia sẻ, DPR đang trong quá trình hoàn tất thủ tục để mở rộng hai KCN là Nam Đồng Phú và Bắc Đồng Phú. Đối với PHR, KCN Nam Tân Uyên đã xong, riêng Tân Lộc 1 đang nằm trong danh mục xúc tiến thủ tục của Công ty.
GVR hạ kế hoạch lợi nhuận 2023, dự kiến chi cổ tức năm với tỷ lệ 3%
Về quy trình phê duyệt chuyển đổi đất cao su thành khu công nghiệp bị chậm lại trong những năm gần đây của GVR, ông Thành cho rằng, cơ chế chuyển đổi gặp nhiều vướng mắc, một số yếu tố tác động như kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất 5 năm, 10 năm; nhiều địa phương không tiên liệu trước sự phát triển của KCN dẫn đến khi có nhu cầu phải làm lại toàn bộ thủ tục khiến thời gian kéo dài rất nhiều...
Liên quan đến vấn đề thoái vốn tại các công ty con, lãnh đạo GVR cho biết, từ đây đến năm 2025 việc thoái vốn tại các công ty cao su rất khó. Theo ông Thành, việc xác định giá trị công ty để bán liên quan đến định giá đất. Tuy nhiên quy định về định giá đất thuê trả tiền hàng năm lại chưa rõ ràng, do đó việc định giá sẽ tốn nhiều thời gian. GVR dự kiến chưa thoái vốn tại các doanh nghiệp cao su trong giai đoạn 2024 - 2025.
Về việc giảm tỷ lệ sở hữu chéo, đối với một số doanh nghiệp liên quan đến ngành nghề khác trong đề án cơ cấu lại, GVR đang trình các cấp có thẩm quyền để thực thoái vốn trong giai đoạn 2023 - 2025.
Trên sàn chứng khoán, chốt phiên 19/6, giá cổ phiếu của GVR ở mức 17.900 đồng/cp, tăng 17% so với đáy ngắn hạn phiên 14/4 và giảm 56% so với đỉnh lịch sử 40.810 đồng/cp phiên 11/11/2021.