Hà Nam khai mạc Tuần văn hóa, du lịch năm 2023

DU LỊCH Hà Nam
10:25 - 15/05/2023
Lễ khai mạc Tuần văn hóa, du lịch Hà Nam. Ảnh: Quochoi,vn
Lễ khai mạc Tuần văn hóa, du lịch Hà Nam. Ảnh: Quochoi,vn
0:00 / 0:00
0:00
Đây là năm đầu tiên sự kiện được tổ chức sau hơn 26 năm tái lập tỉnh Hà Nam với mục đích đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch.

Tối 14/5, tại khu du lịch Quốc gia Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, đã diễn ra lễ khai mạc Tuần văn hóa, du lịch Hà Nam năm 2023 và chương trình giao lưu nghệ thuật truyền thống Việt – Nhật nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy cho biết tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với hàng nghìn di tích các loại, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 95 di tích xếp hạng cấp quốc gia; 3 bảo vật quốc gia; 12 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy mong muốn việc tổ chức các sự kiện này không chỉ nhằm đẩy mạnh quảng bá, thu hút khách du lịch mà còn tạo cơ hội để các nhà đầu tư đến tìm hiểu, khai thác, đầu tư phát triển du lịch tại Hà Nam.

Tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao quyết định công nhận 2 Bảo vật Quốc gia cho tỉnh Hà Nam gồm Bia đá chùa Giàu (xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý) và Trống đồng Tiên Nội 1 (xã Tiên Nội, huyện Duy Tiên).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Quyết định công nhận 2 bảo vật quốc gia cho tỉnh Hà Nam. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Quyết định công nhận 2 bảo vật quốc gia cho tỉnh Hà Nam. Ảnh: Quochoi.vn

Bia đá chùa Giàu được dựng vào năm 1366, khắc nổi chân dung một vị vua thời Trần. Đây là tấm bia cổ duy nhất có niên đại thời Trần với nhiều giá trị tư liệu về lịch sử, mỹ thuật, địa danh hành chính, tôn giáo, tín ngưỡng thời Trần.

Trống đồng Tiên Nội 1 là hiện vật trong bộ sưu tập trống đồng Đông Sơn gồm 16 chiếc của Bảo tàng tỉnh Hà Nam. Hoa văn trên mặt trống là sự kết hợp của các hoa văn kỷ hà và hoa văn tả thực.

Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, sự độc đáo khác biệt của trống Tiên Nội 1 thể hiện rõ nhất ở vành hoa văn số 7 được trang trí chủ đề chim và cá. "Cho đến nay, sự kết hợp này duy nhất chỉ được bắt gặp trên mặt trống Tiên Nội I thuộc văn hóa Đông Sơn phát hiện ở tỉnh Hà Nam và cả nước, với niên đại dự đoán nằm trong khoảng từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 3 trước công nguyên", hồ sơ nêu.

Nhân dịp này, Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch (VHTT&DL) cũng trao quyết định của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đối với 4 di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh là di tích cấp quốc gia, gồm: Di tích Lịch sử Căn cứ địa Lạt Sơn (xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng); danh lam thắng cảnh Bát Cảnh Sơn (xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng); quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng); di tích lịch sử mộ và khu lưu niệm Nam Cao (xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân).

Trong khuôn khổ tuần lễ văn hoá du lịch Hà Nam 2023 sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch như: Hội nghị xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực du lịch; lễ hội khinh khí cầu, trưng bày "Bảo vật quốc gia và cổ vật tiêu biểu tỉnh Hà Nam" lần thứ hai năm 2023, triển lãm "Điêu khắc Phật giáo qua bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam",...

Lễ hội khinh khí cầu Hà Nam. Ảnh: Tam Chúc Complex

Lễ hội khinh khí cầu Hà Nam. Ảnh: Tam Chúc Complex

Lễ hội đua thuyền rồng tại Tam Chúc. Ảnh: Tam Chuc Complex

Lễ hội đua thuyền rồng tại Tam Chúc. Ảnh: Tam Chuc Complex

Không gian trưng bày văn hóa Nhật Bản tại Tam Chúc. Ảnh: Tam Chuc Complex

Không gian trưng bày văn hóa Nhật Bản tại Tam Chúc. Ảnh: Tam Chuc Complex

Tin liên quan

Đọc tiếp