Ảnh: Quách Sơn. |
Trước đó, trong 7 ngày, CTCP Tập đoàn Trí Nam đã đưa vào thử nghiệm dịch vụ xe đạp công cộng tại Hà Nội (từ ngày 16 đến 22/8) và đã có 16.452 tài khoản mới được kích hoạt với 7.454 chuyến đi, tương đương 46.894 km đã đi (trung bình 6,3km/chuyến đi).
Theo báo cáo của đơn vị này, so với việc di chuyển bằng phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy, việc đạp xe với quãng đường kể trên giúp giảm khoảng 2.844kg khí thải CO2 ra môi trường, tương đương với khả năng hấp thụ của 135 cây xanh.
Phát biểu tại lễ khai trương, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chúc mừng và đánh giá cao nỗ lực của CTCP Tập đoàn Trí Nam đã đưa ra phương tiện công cộng mới, bền vững và thân thiện với môi trường cho Hà Nội.
Lãnh đạo TP Hà Nội cũng cho hay, thực hiện chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng vào việc chuyển đổi, phát triển các loại hình phương tiện thân thiện với môi trường nhằm từng bước hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng Thủ đô xanh - văn minh - hiện đại, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.
"Việc chuyển đổi sử dụng phương tiện năng lượng sạch trong lĩnh vực giao thông vận tải đã được UBND thành phố giao nhiệm vụ cho các Sở, ban, ngành xây dựng lộ trình cụ thể nhằm hiện thực hóa cam kết giảm phát thải nhà kính của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26. Giải pháp sử dụng xe đạp, xe đạp trợ lực điện, xe đạp điện sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu chung của thành phố"
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, việc phát triển loại hình xe đạp công cộng để hỗ trợ các loại hình vận tải hành khách công cộng khác (đường sắt đô thị, xe buýt), sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội.
Qua đó, từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường và bước đầu hình thành mạng lưới phụ trợ giúp kết nối người dân đến trạm xe buýt thuận tiện. Dịch vụ được ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động, phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng.
Để dự án hoạt động hiệu quả, trong thời gian thí điểm 12 tháng, UBND TP Hà Nội đề nghị CTCP Tập đoàn Trí Nam theo dõi, lắng nghe phản hồi của người dân, du khách, nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Xe đạp công cộng: Xu hướng di chuyển mới trong nội thành Hà Nội
Cùng với đó, thành phố giao Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm thường xuyên theo dõi tình hình thực hiện, sau 12 tháng thí điểm có báo cáo đánh giá về chất lượng, hiệu quả thí điểm mô hình dịch vụ xe đạp công cộng, tham mưu, đề xuất UBND thành phố xem xét, quyết định việc triển khai trong thời gian tiếp theo theo đúng quy định.
Về phía CTCP Tập đoàn Trí Nam, Chủ tịch HĐQT Đỗ Bá Dân cho biết, hoạt động này ra đời với mục tiêu thực hiện Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP Hà Nội.
Việc đưa vào hoạt động chính thức xe đạp điện, xe đạp công cộng được triển khai thực hiện giai đoạn đầu tại 79 điểm trạm, với 1.000 phương tiện xe trong đó 500 xe đạp điện và 500 xe đạp công cộng được bố trí trên địa bàn TP Hà Nội. Các trạm xe được bố trí gắn kết với các điểm dừng xe buýt, công viên, các điểm du lịch đảm bảo cho người dân có thể đi bộ để tiếp cận dịch vụ thuận lợi.
Cũng theo ông Đỗ Bá Dân, các địa điểm được chọn làm trạm xe đạp đều có thể dễ dàng kết nối giao thông công cộng, xe buýt, tàu điện. Đặc biệt, tại những nơi có trường học, khu vui chơi, các khu du lịch, tham quan thắng cảnh và nơi đông dân cư để người dân dễ dàng sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng.
Trong quá trình vận hành, Trí Nam sẽ tiếp tục cải tiến và hoàn thiện trước khi nhập lô xe điện gồm 400 chiếc tiếp theo về. Để sử dụng xe đạp cơ bình thường, khách hàng chỉ cần bỏ ra số tiền 5.000 đồng cho thời gian 30 phút. Đối với xe đạp điện, chi phí sẽ ở mức 10.000 đồng/30 phút.
Căn cứ vào thực tế, Trí Nam sẽ đánh giá tỷ lệ lựa chọn, sử dụng và tiếp tục có phương án điều chỉnh loại hình phương tiện phù hợp với nhu cầu khách hàng.
Trước đó, tháng 6/2022, UBND TP Hà Nội chấp thuận việc Sở Giao thông Vận tải và nhà đầu tư là CTCP Tập đoàn Trí Nam triển khai dự án xe đạp công cộng giai đoạn 1 tại 6 quận nội thành.
Đến tháng 12/2022, UBND TP Hà Nội đã thống nhất về chủ trương triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trên địa bàn TP theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải, thời gian thí điểm 12 tháng.