Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết, nhằm đẩy mạnh các hoạt động liên kết, xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh hàng nông sản của tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá chất lượng và thương hiệu, kích cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu… cơ quan này sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và UBND huyện Cẩm Giàng tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ cà rốt và nông sản của tỉnh Hải Dương với hệ thống Thương vụ Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài.
Hội nghị sẽ được tổ chức 1/2 ngày, từ 13h30’ ngày 26/10, trực tiếp tại hội trường UBND huyện Cẩm Giàng và trực tuyến tại các điểm cầu nước ngoài. Sự kiện có sự tham dự của đại biểu Bộ Công Thương; tham tán thương mại tại nước ngoài; lãnh đạo UBND tỉnh và một số sở, ngành, địa phương trong tỉnh; các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, xuất khẩu trong và ngoài nước... Tại hội nghị có tổ chức trưng bày, giới thiệu một số sản phẩm tiêu biểu của Hải Dương.
Hải Dương hiện có 8 nhóm nông sản chủ lực và 234 sản phẩm OCOP chất lượng cao. |
Theo Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, tổng diện tích rau màu cả năm của tỉnh đạt khoảng 40.000 ha, sản lượng ước đạt 900.000 tấn/năm. Trong đó 80% là cây rau, 20% còn lại là cây màu.
Hiện tỉnh có 8 nhóm nông sản chủ lực và 234 sản phẩm OCOP chất lượng cao. Trong đó có nhiều sản phẩm được đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, cấp mã số vùng trồng, cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, OCOP, truy xuất nguồn gốc, hình thành mô hình chuỗi liên kết.
Nhiều sản phẩm của Hải Dương đã và đang được xuất khẩu với số lượng lớn, thị trường xuất khẩu được mở rộng sang nhiều nước, nhất là các thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… mang lại giá trị kinh tế cao. Trong đó, cà rốt là một trong những sản phẩm có thế mạnh của tỉnh được sản xuất chủ yếu tại các huyện, thành phố trong tỉnh như Cẩm Giàng, Nam Sách, Chí Linh và Ninh Giang…
Toàn tỉnh có diện tích trồng cây cà rốt hàng năm dao động khoảng 1.400 ha, sản lượng trên 70.000 tấn và được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GolobalGAP… phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Trong đó, khoảng 60% sản lượng cà rốt được sơ chế, bảo quản lạnh xuất khẩu củ tươi sang Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, Malaysia, Singapore, Thái Lan…; 20% còn lại tiêu thụ trong nước dạng củ tươi, nước ép, mứt và cà rốt sấy khô cung cấp làm gia vị cho nhà máy sản xuất mì tôm, cháo ăn liền… Hải Dương hiện được coi là “thủ phủ” cà rốt của miền Bắc.
Cà rốt là một trong những sản phẩm thế mạnh của Hải Dương. |
Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, một số địa phương trong tỉnh vẫn còn những khó khăn trong tiêu thụ cà rốt và nông sản. Cụ thể, hiện nay sản lượng nông sản lớn, thời gian thu hoạch tập trung ngắn (khoảng 3 tháng), trong khi doanh nghiệp tham gia thu mua chưa nhiều; hệ thống kho lạnh bảo quản còn ít; công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và xuất khẩu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn trong nước, trong tỉnh tham gia xuất khẩu nông sản nói chung, cà rốt nói riêng còn ít, năng lực xuất khẩu còn hạn chế. Doanh nghiệp thiếu thông tin thị trường, nhất là thông tin về tình hình xuất nhập khẩu để có thể ký kết được những hợp đồng xuất khẩu lớn, ổn định, tránh bị ép giá hay gặp rủi ro trong các thủ tục thanh toán quốc tế…
Trao đổi với Mekong ASEAN, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương Vũ Thị Kim Phượng cho biết, đây là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng; là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ cà rốt nói riêng, nông sản của tỉnh Hải Dương nói chung tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu về thị trường cũng như các quy định về xuất nhập khẩu của thị trường nước ngoài để chủ động sản xuất, tiêu thụ nông sản; từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững.