Đây là một trong những mục đích hướng đến của tỉnh Hải Dương theo kế hoạch số 4268/KH-UBND mới được UBND tỉnh ban hành về việc triển khai thực hiện chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch, tỉnh Hải Dương sẽ triển khai sản xuất trồng trọt theo hướng an toàn (VietGAP, GlobalGAP), hữu cơ, tuần hoàn, đa giá trị, phát thải thấp, phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; phát triển sản xuất trồng trọt tập trung hàng hóa theo chuỗi giá trị, theo định hướng thị trường trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa các đối tác, lấy doanh nghiệp làm trung tâm.
Về nội dung thực hiện, tỉnh sẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh tích tụ tập trung đất đai, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn, đảm bảo an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát triển nông nghiệp thông minh gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, truy xuất nguồn gốc, cấp nhãn hiệu, chỉ dẫn vùng trồng, phát triển công nghiệp chế biến nông sản, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản phù hợp lợi thế của từng vùng, tạo nhiều giá trị khác biệt hướng đến xuất khẩu. Khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Cụ thể, đối với lúa gạo, Hải Dương sẽ phát triển sản xuất lúa ở vùng quy hoạch tập trung được đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi. Giữ ổn định 46.444ha đất chuyên trồng lúa đến 2030; sản lượng đạt trên 545.000 tấn thóc, nhằm bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh.
Chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Bố trí cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng theo hướng thuận thiên có kiểm soát thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung gieo trồng các giống lúa năng suất, chất lượng cao theo nhu cầu của thị trường và áp dụng quy trình canh tác bền vững, giảm vật tư đầu vào; nâng tỷ lệ sử dụng giống xác nhận lên trên 90%. Tập trung phát triển cơ giới hóa đồng bộ từ làm đất đến thu hoạch. Tăng cường tái sử dụng các phụ phẩm lúa gạo (rơm, rạ) để làm phân bón hữu cơ, giảm phát thải khí nhà kính từ sản xuất lúa.
Tỉnh Hải Dương định hướng chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; phát triển sản xuất trồng trọt tập trung hàng hóa theo chuỗi giá trị, theo định hướng thị trường trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa các đối tác, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Ảnh: Lâm Phùng. |
Về cây rau, màu các loại, đến năm 2030, tỉnh duy trì diện tích cây rau màu 41.500ha/năm (trong đó, diện tích cây vụ đông ở mức 21.000 ha/năm, diện tích rau màu vụ xuân 10.000ha và vụ hè thu 9.500ha); tổng sản lượng rau đạt trên 900.000 tấn/năm.
Đồng thời, nâng giá trị sản xuất cây vụ đông; tiếp tục duy trì và mở rộng các vùng sản xuất tập trung cây rau màu truyền thống, có thị trường tiêu thụ ổn định, giá trị kinh tế cao (hành tỏi, cà rốt, bắp cải, su hào, súp lơ, dưa hấu, cà rốt tại các huyện Kinh Môn, Gia Lộc, Nam Sách, Kim Thành, Thanh Miện và thành phố Chí Linh). Xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hàng hóa tập trung, đầu tư hạ tầng giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiết kiệm, nhà màng, nhà lưới, thực hiện các quy trình sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP, GlobalGAP…
Tăng cường bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch để nâng cao giá trị gia tăng. Tăng tỷ lệ rau được bảo quản chế biến đạt trên 30% để nâng cao giá trị gia tăng. Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu sản xuất đến thu hoạch. Nâng cao trình độ thâm canh của nông dân để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Ngoài ra, thực hiện xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, tem nhãn nhận diện, mã vùng truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm rau chủ lực của địa phương nhằm phát triển thị trường tiêu thụ nội địa và thị trường ngoài nước.
Đối với cây ăn quả, đến năm 2030, Hải Dương tăng diện tích cây ăn quả lên 22.300 ha/năm, sản lượng đạt 290.000 tấn/năm. Tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực tập trung trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế các vùng sinh thái, gắn với phát triển các nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ.. Ưu tiên duy trì và phát triển một số cây ăn quả có lợi thế, có thị trường tiêu thụ (cây vải, ổi, na, chuối, cây có múi, thanh long tại các huyện Thanh Hà, Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Miện, Ninh Giang và thành phố Chí Linh).
Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để rải vụ thu hoạch cây ăn quả; nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng diện tích sản xuất sản phẩm an toàn, sản xuất theo quy trình GAP (VietGAP, GlobalGAP) nhất là những sản phẩm có trị trường xuất khẩu ổn định, sản xuất hữu cơ…
Về ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất trồng trọt, tỉnh tập trung xây dựng các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, ưu tiên các lĩnh vực gồm chọn tạo các giống mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh và biến đổi khí hậu; phân bón công nghệ cao, chế phẩm sinh học; nông hóa thổ nhưỡng; giảm phát thải khí nhà kính phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững. Nghiên cứu, hoàn thiện và chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, sản xuất hữu cơ, tuần hoàn gắn với chuỗi giá trị cho các đối tượng cây trồng chủ lực nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường; công nghệ, thiết bị phục vụ cơ giới hóa, tự động hóa trong từ khâu sản xuất đến thu hoạch, sơ chế, bảo quản và chế biến sâu một số nông sản chủ lực.
Về nguồn nhân lực, Hải Dương sẽ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ trồng trọt, bảo vệ thực vật các cấp, cán bộ quản lý nông nghiệp và hợp tác xã. Đa dạng hóa hình thức đào tạo, nội dung đào tạo, trong đó chú trọng đào tạo kỹ năng quản trị, kỹ thuật trồng trọt, quản lý sinh vật gây hại và an toàn thực phẩm cho nông dân thông qua các chương trình dạy nghề, hoạt động khuyến nông.
Đồng thời, rà soát, bổ sung các cơ chế chính sách mới nhằm thu hút đầu tư phát triển trồng trọt của tỉnh, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, như: chính sách đất đai, chính sách tài chính, tín dụng, chính sách đầu tư, chính sách thuế, chính sách phát triển nguồn nhân lực, liên kết tiêu thụ sản phẩm...; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp…
Nguồn vốn thực hiện từ ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện trên cơ sở lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch, đề án của tỉnh.
UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã bám sát nội dung tại kế hoạch này để lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch, đề án của ngành, địa phương phù hợp, hiệu quả.