Ông Nguyễn Đức Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương. |
Mekong ASEAN: Ông có thể cho biết một số đóng góp nổi bật của MTTQ các cấp trong tỉnh Hải Dương đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương từ đầu nhiệm kỳ đến nay?
Ông Nguyễn Đức Tuấn: Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động, triển khai trong hệ thống MTTQ tỉnh với 5 nhiệm vụ cơ bản. Qua 3 năm thực hiện, hoạt động của MTTQ trong tỉnh từng bước được đổi mới nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đáp ứng yêu cầu của xã hội và công cuộc đổi mới của đất nước với những kết quả quan trọng.
Trong đó, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn được MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên trong tỉnh coi trọng, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức vận động, tập hợp.
Các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước được MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên thực hiện có hiệu quả, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Tiêu biểu như phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa"...
Trong xây dựng nông thôn mới, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả đạt được, trong đó nổi bật với mô hình “Ban công tác Mặt trận thôn, khu dân cư vận động Nhân dân hiến đất, hiến công xây dựng nông thôn mới”.
Điểm nổi bật từ đầu nhiệm kỳ đến nay đó là Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên xây dựng, thực hiện hiệu quả hoạt động các mô hình tự quản ở thôn, khu dân cư dân cư trong tỉnh như “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, “Khu dân cư thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang”, “Khu dân cư tự quản đảm bảo an ninh trật tự” và triển khai thực hiện mô hình Đề án “Vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”.
Cùng với đó, chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh được MTTQ và các tổ chức thành viên thực hiện hiệu quả, đã huy động tối đa các nguồn lực xã hội cùng chung tay góp sức chăm lo, giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo với nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau, nhất là vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” và hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết.
Từ năm 2020 đến nay, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã vận động được trên 22 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 521 ngôi nhà đại đoàn kết; tặng 86.000 suất quà Tết và hỗ trợ giống, vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ khám chữa bệnh, học sinh nghèo cho 17.000 lượt người với tổng số tiền 52 tỷ đồng.
Đồng thời, tổ chức vận động ủng hộ “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” được 20 tỷ đồng nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022); vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng.
Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương làm việc tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương về công tác cải cách thủ tục hành chính. |
Trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, căn cứ các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế và chính quyền địa phương...
Từ năm 2020 đến nay, MTTQ các cấp trong tỉnh đã chủ trì tổ chức 1.672 cuộc giám sát 1.955 lượt đơn vị (cấp tỉnh 34 cuộc, cấp huyện 251 cuộc, cấp xã 1.670); tổ chức 9 hội nghị phản biện xã hội đối với 8 văn bản dự thảo Nghị quyết, Quyết định của HĐND, UBND tỉnh và cấp huyện.
Ngoài ra MTTQ các cấp còn lựa chọn thực hiện giám sát những vấn đề liên quan đến quyền lợi của Nhân dân. Các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội của MTTQ gửi đến các cơ quan có thẩm quyền cơ bản được chính quyền tiếp thu, giải quyết theo quy định.
Mekong ASEAN: Công tác giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng, ông có thể cho biết MTTQ các cấp trong tỉnh đã triển khai nhiệm vụ như thế nào để công tác này đạt kết quả cao?
Ông Nguyễn Đức Tuấn: Với chức năng giám sát và phản biện xã hội thực hiện thực hiện theo Quyết định 217 và Quyết định 218 của Bộ Chính trị, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã triển khai mạnh mẽ hoạt động giám sát theo hướng vào các lĩnh vực, vấn đề có tác động, ảnh hưởng rộng lớn đến các tầng lớp nhân dân.
Ở cấp tỉnh, hoạt động giám sát, phản biện xã hội tập trung vào các lĩnh vực như công tác cải cách hành chính đối với người đứng đầu chính quyền và các sở, ngành; việc thực hiện Chương trình hành động và trách nhiệm của đại biểu dân cử đối với đại biểu HĐND tỉnh; phản biện xã hội đối với các dự thảo thảo Nghị quyết, Quyết định của HĐND, UBND tỉnh...
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương và nhà tài trợ trao tiền hỗ trợ xây nhà “đại đoàn kết” cho người dân ở xã Nam Hồng, huyện Nam Sách. |
Ở cấp huyện, cấp xã, các nội dung giám sát cũng bám sát vào các vấn liên quan, tác động trực tiếp đến người dân như việc triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; việc thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau tiếp xúc đối thoại với Nhân dân; việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn...
Về nội dung giám sát, MTTQ các cấp trong tỉnh chủ trì, thảo luận, thống nhất với các tổ chức chính trị - xã hội để xây dựng kế hoạch giám sát sau đó báo cáo cấp ủy cùng cấp, đảm bảo không trùng lặp, cụ thể, thiết thực.
Về hình thức giám sát, MTTQ các cấp trong tỉnh áp dụng các hình thức cụ thể như tổ chức đoàn giám sát trực tiếp; thông qua nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền; thông qua hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân cấp xã; tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Việc tổ chức các hoạt động giám sát, phản biện xã hội được MTTQ các cấp trong tỉnh triển khai một cách khách quan, công khai, hiệu quả, đúng quy trình, các quy định, hướng dẫn về công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và pháp luật của Nhà nước.
Sau giám sát, phản biện xã hội, đều có báo cáo kết quả giám sát, phản biện xã hội và những kiến nghị đối với cấp ủy và các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, xem xét, xử lý, trên cơ sở lý luận và thực tiễn, khách quan, công khai, hiệu quả thiết thực, mang tính xây dựng, phù hợp chủ trương, đường lối của Ðảng và pháp luật của Nhà nước.
Mekong ASEAN:Trong thời gian tới, MTTQ tỉnh Hải Dương có những giải pháp cụ thể nào để tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của mình trong sự nghiệp đổi mới, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra?
Ông Nguyễn Đức Tuấn: Thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả các nội dung Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, MTTQ các cấp trong tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Một là, tiếp tục tuyên truyền nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị về nhiệm vụ lãnh đạo, xây dựng tổ chức MTTQ Việt Nam các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội. Xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và vai trò làm chủ của nhân dân.
Phối hợp tham mưu với cấp ủy các cấp trong việc lựa chọn bố trí cán bộ làm công tác Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, đảm bảo đủ tâm huyết, năng lực, bản lĩnh chính trị ngang tầm nhiệm vụ.
Đại diện các cơ quan, đơn vị trong Khối thi đua Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội tỉnh Hải Dương giao ước thi đua năm 2023. |
Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, theo hướng đa dạng các hình thức tổ chức, hoạt động tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo… nhằm động viên mọi nguồn lực xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc; tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, phát huy vai trò cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo. Kết nạp, phát triển thành viên MTTQ, hội viên các đoàn thể nhân dân.
Ba là, thực hiện tốt vai trò đại diện cho nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, bằng các hoạt động cụ thể như: thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, dư luận xã hội để phản ánh với cấp ủy, chính quyền xem xét giải quyết kịp thời; giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Bốn là, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể. Thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, Tổ tư vấn, Ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư... để tạo sức mạnh tổng hợp trong tham mưu và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác. Quan tâm nhân rộng các mô hình, điển hình tiêu biểu; biểu dương, khen thưởng. Áp dụng công nghệ thông tin trong công tác mặt trận.
Năm là, tiếp tục thực hiện tốt Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị “Quy định MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”… Trong đó chú trọng công tác giám sát, phản biện xã hội, theo hướng tập trung vào các vấn đề, lĩnh vực có tác động, ảnh hưởng rộng lớn đến các tầng lớp nhân dân.
Đồng thời, đổi mới cách thức giám sát phù hợp với từng cấp, từ việc lựa chọn vấn đề giám sát, tổ chức đoàn, phối hợp các cơ quan liên quan trong giám sát đến theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị sau giám sát. Đối với hoạt động phản biện xã hội, cần thực hiện có chọn lọc, phù hợp với thực tế khả năng thực hiện ở mỗi cấp,... nhằm đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương Hải Dương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Mekong ASEAN: Trân trọng cảm ơn ông!