Tuy lợi nhuận tăng, H&M dự kiến sẽ tăng giá một lần nữa trong nửa cuối 2022 do nguyên liệu và phí vận chuyển cao. |
Trước đó trong nửa đầu năm 2022, H&M đã có đợt tăng giá sản phẩm đồng loạt trong hệ thống trên khắp thế giới do chi phí vận chuyển và nguyên liệu thô tăng mạnh. Theo chia sẻ của giám đốc điều hành Helena Helmersson với Reuters, giá nguyên liệu có thể sẽ tăng trong suốt phần còn lại của năm 2022. Ngoài ra, bà cũng đưa ra nhận định mức tăng sẽ khác nhau giữa các thị trường tùy thuộc vào tình hình cạnh tranh.
Theo bà, tuy hầu hết các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 về cơ bản đã kết thúc, nhiều thách thức vẫn còn đang tồn tại. Đầu tiên chính là sự gián đoạn và chậm trễ trong chuỗi cung ứng cũng như tỷ lệ lạm phát đang chưa có dấu hiệu sụt giảm tại nhiều nền kinh tế lớn của thế giới.
Thông báo tăng giá được tập đoàn của Thụy Điển đưa ra trong bối cảnh lợi nhuận trước thuế của H&M tăng 33% so với một năm trước đó lên 471 triệu USD trong quý 2/2022. Nếu tính bằng đồng nội tệ, mức tăng trưởng doanh số của nhà bán lẻ thời trang lớn thứ hai thế giới sẽ tương đương với 12%.
Ngay sau khi công bố lợi nhuận tăng vọt trong quý 2, cổ phiếu của tập đoàn đã tăng 5%. Các con số tích cực này cũng được củng cố bằng việc những khách hàng mua sắm quay trở lại các cửa hàng của công ty sau khi các hạn chế đi lại do phòng dịch được nới lỏng.
Do ít sử dụng các đợt giảm giá hơn, doanh số bán hàng nguyên giá tăng. Chính mức chênh lệch đó đã giúp H&M tăng tỷ suất lợi nhuận hoạt động quý 2/2022 lên 9,2% từ mức 8,3% trước đó dù chi phí tăng cao hơn. Trong một tuyên bố, bà Helmersson cũng xác nhận doanh số bán hàng tại các cửa hàng thực của H&M đã tăng đáng kể trong khi các cửa hàng trực tuyến tiếp tục hoạt động tốt.
Mặt khác, doanh số bán hàng bằng các đồng nội tệ trong tháng 6 lại giảm, chủ yếu là do công ty tạm dừng các hoạt động kinh doanh ở Nga, Ukraine và Belarus. Thêm vào đó, Nga cũng là thị trường lớn thứ 6 của H&M với 4% doanh thu trong quý IV/2021.
Trong khi đó tại Trung Quốc, H&M đã chứng kiến doanh số bán hàng sụt giảm trong năm qua trong bối cảnh người tiêu dùng đại lục tẩy chay các sản phẩm của tập đoàn do các lùm xùm với bông Tân Cương. Trên hết, sự sụt giảm này cũng một phần tới từ nhu cầu tiêu dùng nói chung suy yếu như một hệ quả của các đợt phong tỏa COVID-19.
Ngược lại, đối thủ lớn nhất của H&M là Inditex - chủ sở hữu của thương hiệu thời trang Zara, đã báo cáo lợi nhuận tăng vọt 80% vào đầu tháng này nhờ doanh thu bùng nổ.