Chứng khoán HD có 9 cổ đông, sở hữu toàn bộ 1.023 tỷ đồng vốn góp của công ty này. |
Theo đó, HDBank sẽ mua lại tối đa 30% vốn điều lệ của Chứng khoán HD (HDS) với tổng giá trị đầu tư dự kiến không lớn hơn 800 tỷ đồng. Thời gian thực hiện được HDB cho biết là trong vòng 12 tháng kể từ ngày được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc mua góp cổ phần.
Việc góp vốn, mua cổ phần của một công ty chứng khoán để trở thành công ty con của HDBank được cổ đông ngân hàng này thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 hồi tháng 4 vừa qua.
Các tiêu chí HDBank đưa ra để lựa chọn công ty chứng khoán góp vốn, mua cổ phần gồm: Được cấp phép để thực hiện các nghiệp vụ như môi giới, tự doanh và tư vấn đầu tư chứng khoán, có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng, đồng thời có lãi trong 3 năm liên tiếp.
HDBank sẽ mua lại công ty chứng khoán nào?
HDBank cho rằng việc sở hữu một công ty chứng khoán sẽ giúp nhà băng này mở rộng hơn nữa các sản phẩm dịch vụ cung cấp cho khách hàng, đa dạng hóa và tăng cường nguồn thu dịch vụ, thông qua nhiều hoạt động mới như tư vấn phát hành, tư vấn tài chính, tái cấu trúc doanh nghiệp, quản lý tài sản…
HDS là tiền thân của CTCP Chứng khoán Phú Gia được thành lập năm 2006, có vốn điều lệ 1.023 tỷ đồng. HDS vào đầu tháng 10/2023 đã hoàn thành lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Theo đó, cổ đông công ty này thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Báo cáo tài chính cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận trước thuế của HDS đạt 177 tỷ đồng, thấp hơn 5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng tài sản của công ty này đạt 3.195 tỷ đồng, giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm.
HDS sẽ chào bán cho cổ đông hiện hữu 67,5 triệu cổ phần với giá chào bán 15.000 đồng/CP. Thời gian thực hiện trong quý 4/2023 – quý 1/2024, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Sau khi hoàn thành đợt phát hành này, vốn điều lệ của HDS sẽ được nâng từ 1.023 tỷ đồng lên 1.698 tỷ đồng.