Ngân hàng HDBank. |
Trong báo cáo gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ngày 11/11, HDBank cho biết mã trái phiếu mua lại là HDB2027_02, là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm và thoả mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của HDBank theo quy định hiện hành.
Ngày phát hành của lô trái phiếu là 10/11/2020, đáo hạn ngày 10/11/2027; lãi suất cố định 8,5%/năm. Kể từ ngày hoàn thành mua lại vào 10/11/2022, trái phiếu HDB2027_02 sẽ bị huỷ bỏ.
Trước đó, vào ngày 12/9/2022, HDB cũng đã hoàn tất mua lại trước hạn lô trái phiếu HDB2027_01 phát hành ngày 11/9/2020, đáo hạn năm 2027. Tổng giá trị của lô trái phiếu là 800 tỷ đồng.
HDBank là một trong những ngân hàng tích cực trong việc huy động vốn qua kênh trái phiếu. Theo dữ liệu từ HNX, từ đầu năm 2022 đến nay, HDB đã hoàn tất phát hành 13 lô trái phiếu với tổng giá trị 6.600 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý 3/2022, HDBank có tổng dư nợ trái phiếu 27.171 tỷ đồng, giảm hơn 1.700 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó có hơn 20.000 tỷ đồng là trái phiếu phát hành có thời hạn từ 12 tháng đến dưới 5 năm, còn lại là từ 5 năm trở lên.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, trong khi các doanh nghiệp bất động sản giảm tốc trong việc phát hành trái phiếu thì các ngân hàng tiếp tục huy động vốn tích cực từ kênh này. Theo thống kê từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong quý 3/2022, nhóm ngân hàng dẫn đầu về khối lượng phát hành, tổng giá trị ở mức 45.542 tỷ đồng, giảm 33% so với quý 3/2021.
Các ngân hàng dẫn đầu về giá trị phát hành là BIDV (hơn 7.000 tỷ đồng), OCB (hơn 6.600 tỷ đồng), VietinBank (hơn 4.000 tỷ đồng), ACB, HDB, MBB ở mức gần 4.000 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, các ngân hàng huy động tổng cộng hơn 133.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu, chiếm 59% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Song song với việc phát hành trái phiếu mới, các ngân hàng cũng rất tích cực trong việc mua lại trước hạn trái phiếu đã phát hành.
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) vừa có nghị quyết của HĐQT về việc thông qua phương án mua lại trước hạn trái phiếu đã phát hành ra công chúng.
Theo đó, ngân hàng này sẽ mua lại trái phiếu đã phát hành ra công chúng năm 2020, kỳ hạn 7 năm; trị giá hơn 1.814 tỷ đồng. Ngày chốt danh sách người sở hữu trái phiếu là 15/11 và ngày thực hiện quyền mua lại là ngày 24/11/2022.
Trước đó, theo thống kê tổng hợp của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong 9 tháng năm 2022, LienVietPostBank cũng đã mua lại 8.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn.
Số liệu của VCBS cho thấy, khối lượng trái phiếu mua trước hạn trong 9 tháng năm 2022 đạt 135.180 tỷ đồng. Lượng mua lại trái phiếu có xu hướng tăng cao kể từ tháng 6/2022.
Đứng đầu danh sách này là các ngân hàng thương mại như BIDV mua lại lượng trái phiếu trước hạn với giá trị 12.672 tỷ đồng; VIB 8.800 tỷ đồng; LPB 8.000 tỷ đồng; SHB 5.450 tỷ đồng, TPBank 4.900 tỷ đồng; OCB 4.700 tỷ đồng…
Bên cạnh nhóm ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản đứng vị trí thứ hai về lượng trái phiếu được mua lại trước hạn. Trong đó, Công ty Azura mua lại hơn 7.300 tỷ trái phiếu trước hạn, Yamagata mua lại gần 4.800 tỷ, Osaka Garden mua lại 3.400 tỷ đồng...