Thông tin này được Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết tại Hội thảo “Xử lý nợ xấu trong đại dịch COVID-19 và hoàn thiện chính sách pháp luật về xử lý nợ xấu theo hướng Luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14” được Ủy ban Chính sách thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức sáng 24-11.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, hiện dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên toàn hệ thống ngân hàng đã lên tới hơn 3 triệu tỉ đồng, và chỉ có khoảng 10% trong tổng số dư nợ được cơ cấu.
Trong khi đó, để doanh nghiệp phục hồi hoạt động kinh doanh, các ngân hàng vẫn phải xem xét tiếp tục cho vay mới trên nền tảng của khoản nợ đã được cơ cấu (bản chất đã là món nợ xấu), điều này thực sự gây khó khăn đối với các ngân hàng.
Hiện các tổ chức tín dụng đang chủ động khắc phục khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, kiểm soát chất lượng tín dụng, đảm bảo vốn đầu tư cho nền kinh tế và có thể xử lý được nợ xấu cũ còn tồn tại và cả nợ xấu hình thành trong tương lai.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khả năng nợ xấu tại các ngân hàng sẽ tăng cao. Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng, tính đến thời điểm này đã có trên 600.000 tỉ đồng được cơ cấu nợ, ước tính, từ nay đến cuối năm hoặc sang năm 2022, khả năng con số này sẽ lớn hơn rất nhiều.