Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Yahoo News |
Reuters đưa tin, trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới thường niên công bố ngày 16/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Mỹ năm 2024 tăng lên 2,7%, từ mức 2,1% dự kiến vào tháng 1/2024, do việc làm và chi tiêu tiêu dùng nước này mạnh hơn dự kiến.
IMF nhận định: “Thành tích đặc biệt của Mỹ gần đây chắc chắn là rất ấn tượng và là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu”. Tuy nhiên, cơ quan này cảnh báo điều này cũng “phản ánh các các yếu tố nhu cầu mạnh mẽ, bao gồm cả quan điểm tài chính không phù hợp với tính bền vững tài chính dài hạn”, theo RT.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Ảnh: Bloomberg |
Báo cáo của IMF chỉ ra rằng thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ đã tăng từ 1,4 nghìn tỷ USD trong năm tài chính 2022 lên 1,7 nghìn tỷ USD năm 2023. Trong đó, chi tiêu thâm hụt của Mỹ đã được thúc đẩy trong trong những năm gần đây là do các biện pháp kích thích liên quan đến dịch Covid-19, đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch cũng như chi phí lãi vay bùng nổ.
Báo cáo cho biết việc Washington chi tiêu quá mức có nguy cơ gây ra lạm phát và làm suy yếu sự ổn định tài chính và tài chính dài hạn trên toàn thế giới bằng cách tăng chi phí tài trợ toàn cầu. “Tình hình hiện tại là không bền vững,” IMF nhận định.
Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), khoản nợ công của Washington đã vượt quá con số 34 nghìn tỷ USD vào tháng 12/2023 (tương đương 97% GDP) và sẽ đạt 45,7 nghìn tỷ USD (tương đương 114% GDP) vào năm 2033.
Cho đến nay, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vẫn đang tìm cách hạ thấp những quan ngại ngày càng gia tăng, theo Bloomberg. Quan chức này đã nhiều lần nói rằng tính bền vững của nợ được đo lường tốt nhất bằng chi phí trả nợ tính theo phần trăm GDP, được điều chỉnh theo lạm phát.
Nhà Trắng dự báo rằng chi phí lãi ròng thực tế sẽ vẫn ở dưới mức 2% GDP trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, bà Yellen cũng thừa nhận dự báo đó rất dễ bị ảnh hưởng nếu lãi suất vẫn tăng cao.
Theo RT, kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chi hàng nghìn tỷ USD cho việc cứu trợ Covid-19 và đầu tư cơ sở hạ tầng. Nước này cũng viện trợ hàng tỷ USD cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, chính quyền ông Biden cho rằng việc Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump ký thành luật việc cắt giảm thuế là nguyên nhân khiến tình trạng nợ công ngày càng tăng cao.
Vào tháng trước, Tổng thống Biden đã công bố dự thảo ngân sách trị giá gần 7,3 nghìn tỷ USD cho năm tài chính 2025 nếu tái đắc cử vào cuối năm nay. Tuy nhiên, điều này sẽ đẩy khoản nợ công của Mỹ lên trên 100% GDP, vì ông Biden đưa ra chương trình tài chính nhằm tăng cường chi tiêu nhưng có kế hoạch tiết kiệm 3 nghìn tỷ USD thông qua mức thuế cao hơn trong 10 năm.
Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã mô tả ngân sách được đề xuất như một “lộ trình đẩy nhanh sự suy thoái của nước Mỹ”, cáo buộc chính quyền ông Biden “chi tiêu hoang phí” mà coi nhẹ trách nhiệm tài chính.