Công nghệ, thiết bị chế biến gỗ được trưng bày tại VietnamWood 2022. |
Sau một năm gián đoạn do đại dịch Covid-19, triển lãm quốc tế lần thứ 14 về máy móc thiết bị công nghiệp ngành chế biến gỗ (VietnamWood 2022) và triển lãm quốc tế về thiết bị nội thất, ngũ kim và công cụ ngành công nghiệp gỗ (Furnitec 2022), hôm nay đã chính thức quay trở lại TP HCM.
Sự kiện, song song tổ chức trên nền tảng trực tuyến từ 18/10 - 24/10, thu hút hơn 250 nhà cung cấp tới từ các thương hiệu như Homag, Michael Weinig, Dieffenbacher, Leitz, Jowat, SCM, Biesse, Thuận Hiền, Fuvico, Quốc Duy…và 7 khu triển lãm quốc tế của các nền kinh tế như Áo, Canada, Pháp, Đức, Nga, Đài Loan (Trung Quốc) và Mỹ.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm. |
Tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Công Thương) phát biểu, triển lãm sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế tăng cường hợp tác, xúc tiến thương mại, trao đổi, tiếp cận học hỏi từ các sản phẩm và công nghệ của thế giới, đồng thời phát triển các thương hiệu trong nước, góp phần cho sự phát của ngành công nghiệp chế biến gỗ.
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP HCM (HAWA), trong 9 tháng năm 2022, kim xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước tính đạt 12,4 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021.
Dù kim ngạch xuất khẩu đã tăng trở lại nhưng các doanh nghiệp gỗ Việt Nam vẫn chịu nhiều ảnh hưởng bởi lạm phát, bất ổn kinh tế toàn cầu. Những yếu tố này sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng xuất khẩu của ngành chế biến gỗ nói riêng và các mặt hàng khác nói chung của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2022.
Điều này đã đặt ra cho ngành chế biến gỗ những thách thức lớn là vừa phải giải quyết các vấn đề nội tại, đảm bảo chất lượng, đáp ứng đơn hàng đang có, vừa phải gia tăng năng suất, giá trị gia tăng...để giữ và đón khách hàng mới. Đồng thời phải linh hoạt để đón đầu những thay đổi và hòa nhịp xu thế phát triển bền vững. Trong đó, hai thách thức nổi bật hiện tại là: nguyên liệu và công nghệ.
Về công nghệ, một số doanh nghiệp đã sử dụng công nghệ tương đối hiện đại với các loại máy móc chủ yếu được nhập khẩu nhưng phần nhiều các thiết bị đang sử dụng đều có năm sản xuất trung bình là 2010, khá cũ so với hiện nay.
Với sự lên ngôi của xu hướng tự động hóa sản xuất, thay thế lao động con người bằng máy móc, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phải định hướng dòng sản phẩm sản xuất theo hướng chuyên môn hóa.
Về vấn đề nguyên liệu, hiện nguồn cung nguyên liệu khai thác trong nước gồm rừng trồng và cây phân tán mới đáp ứng được khoảng 75% tổng nhu cầu chế biến. Mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 8,5 triệu m3 gỗ.
Về vấn đề này, theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Đạt, công ty chuyên xuất nhập khẩu gỗ, năm 2022 do ảnh hưởng của xung đột địa chính trị giữa Nga - Ukraine và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến 2 nguồn cung nguyên liệu gỗ chính của Việt Nam là Nga và Trung Quốc bị gián đoạn, doanh nghiệp phải loay hoay tìm nguồn cung mới.
Vì vậy, cùng với tốc độ phát triển của ngành gỗ, trong thời gian tới cần thiết phải có nguồn cung nguyên liệu dồi dào, đa dạng chủng loại để phục vụ cho mọi phân khúc thị trường.
Trong khuôn khổ triển lãm, hàng loạt hội thảo cũng sẽ được tổ chức nhằm giúp các nhà sản xuất tìm phương pháp kiểm soát chất lượng sản phẩm từ nguyên vật liệu cho đến khi hoàn thành và chuyển đến tay người tiêu dùng, từ đó đảm bảo chất lượng đồng đều giữa các thành phẩm, giảm chi phí sản xuất, đổi mới cải tiến mẫu mã, và gia tăng lợi nhuận.
VietnamWood và Furnitec 2022 sẽ diễn ra đến hết ngày 21/10.