Ảnh minh họa: VGP. |
Ngày 27/2, Beanstalk AgTech công bố chiến lược hợp tác song phương giữa các doanh nghiệp Australia - Việt Nam về nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu trong ngành tôm và lúa gạo.
Chiến lược nằm trong Chương trình đối tác nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu Australia-Việt Nam (AVEG), tổ chức bởi Beanstalk AgTech với sự hỗ trợ của tổ chức Mekong Business Initiative (MBI) và được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và thương mại Australia.
Chương trình Đối tác Việt Nam - Australia vì nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ diễn ra từ ngày 18-22/3 tại Việt Nam và từ 6-10/5 tại Australia.
Mục đích của chương trình nhằm tạo ra các cơ hội hợp tác phát triển chuỗi giá trị bền vững trong ngành nông nghiệp Việt Nam, trong đó tập trung vào lĩnh vực lúa gạo và tôm.
Theo bà Lily Tao, Giám đốc dự án của Beanstalk AgTech cho biết, mặc dù ngành lúa gạo và tôm mang lại sinh kế cho hàng triệu nông dân Việt Nam nhưng ngành này cũng đang phải đối mặt với những rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra, liên quan đến mực nước biển dâng cao và lượng mưa thất thường. Do đó, hướng tiếp cận thông qua nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu là một giải pháp giảm thiểu những rủi ro trên.
"Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất với biến đổi khí hậu, do đó, cách tiếp cận theo hướng nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (Climate-Smart Agriculture – CSA) cùng những thực hành và công nghệ mang lại nhiều khả năng tiếp cận và cơ hội mở rộng thị trường, đặc biệt là ở các thị trường khó tính như Châu Âu và Bắc Mỹ...", đại diện Beanstalk cho biết.
Tuy nhiên, mức độ áp dụng các công nghệ về CSA tại Việt Nam nhìn chung vẫn ở mức thấp hoặc trung bình. Việc nhân rộng các công nghệ CSA còn hạn chế do những khó khăn trong tiếp cận yếu tố đầu vào, chi phí thực hiện cao và thiếu vốn đầu tư.
Ngoài ra, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cũng như sự phối hợp, điều phối thông tin hướng dẫn thực hiện CSA trong các chương trình, kế hoạch phát triển của địa phương cũng là rào cản trong hệ sinh thái nông nghiệp Việt Nam.
Thông qua việc tham dự chương trình này, các doanh nghiệp trong ngành tôm, lúa gạo giữa Việt Nam và Australia sẽ có cơ hội hợp tác, đầu tư thông qua chuyến thăm và học tập về nông nghiệp thông minh.
Các doanh nghiệp tham dự chương trình sẽ được đến thăm các trang trại, tổ chức hoặc viện nghiên cứu hàng đầu để hiểu rõ hơn về những thách thức trong vấn đề bền vững cũng như tìm hiểu về giải pháp tiên tiến của ngành.
Doanh nghiệp có thể đưa ra các ý tưởng thực hiện dự án bằng cách tham gia các hội thảo giúp tìm kiếm các giải pháp tiềm năng cho những thách thức chính trong lĩnh vực lúa gạo và tôm.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội thúc đẩy mối quan hệ đối tác bằng cách gặp gỡ các bên liên quan cấp cao được chọn từ khu vực công và tư nhân, tìm kiếm các khả năng hợp tác và đầu tư.
Phát biểu tại sự kiện, TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết: "Chuyến thăm thị trường Việt Nam và Australia sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ hợp tác, dự án thương mại, mang lại những kết quả rõ rệt cho ngành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Chính phủ cùng các tỉnh, thành và các ngành đã đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng như Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gần đây là một ví dụ điển hình. Đây sẽ là tiền đề cho thử nghiệm, đổi mới sáng tạo và quan hệ hợp tác toàn cầu".