Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh - Ảnh:quochoi.vn |
Sáng 23/5, theo Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.
Theo đánh giá của Chính phủ, năm 2022, triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện và đạt được những kết quả rất tích cực.
Đã thực hiện rà soát, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các định mức, tiêu chuẩn chế độ; thực hiện triệt để tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước.
Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, xử lý nghiêm các hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, tài sản công, đất đai, khoáng sản.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước năm 2022 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra.
Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn Nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết, năm 2022 thu ngân sách Nhà nước đạt 1,82 triệu tỷ đồng, tăng 28,6% so dự toán. Thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí 89.600 tỷ đồng; gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất 110.670 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đáng chú ý, về công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận định, năm 2022 tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm.
Lũy kế từ năm 2016 đến ngày 31/12/2022, cả nước đã mua mới 4.192 ô tô công, 183 phương tiện vận tải khác và 29.853 máy móc, thiết bị. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục được cập nhật vận hành có hiệu quả, tổng nguyên giá tài sản công đã cập nhật là 1,7 triệu tỷ đồng.
Khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư công còn chậm
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, vẫn còn một số khó khăn, thách thức và hạn chế, bất cập.
Cụ thể, sức ép lạm phát tăng; các thị trường tài chính, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro. Giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA còn chậm; việc xử lý các ngân hàng yếu kém và các dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp Nhà nước còn chậm. Quy hoạch sử dụng đất của địa phương chậm được công bố, gây khó khăn cho việc sắp xếp nhà, đất và thực hiện di dời.
Về nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658 về Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 với 8 nhiệm vụ trọng tâm và 4 nhóm giải pháp để thực hiện.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong từng lĩnh vực được giao phụ trách; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và pháp luật chuyên ngành, tập trung vào các lĩnh vực: quản lý và sử dụng đất đai; đầu tư công; quản lý kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ; việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Ảnh: quochoi.vn |
Kiến nghị công khai tổ chức, cá nhân vi phạm về chống lãng phí
Theo báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 tại phiên họp do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày, bên cạnh những thành tựu tích cực đã đạt được như báo cáo Chính phủ nêu, vẫn còn những mặt tồn tại cần khắc phục.
Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận định, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước còn chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không phân bổ hết kế hoạch vốn được giao.
Việc triển khai, giải ngân vốn đầu tư các dự án quan trọng quốc gia còn chậm, nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, làm lãng phí nguồn lực.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng chỉ ra những hạn chế về việc cải cách thủ tục hành chính. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) có cải thiện, người dân hài lòng hơn với dịch vụ công cơ bản nhưng địa phương có chỉ số PAPI cao nhất mới chỉ đạt khoảng 47/80 điểm (còn khoảng cách xa so với điểm tối đa).
Việc này đòi hỏi chính quyền các cấp cần nỗ lực hơn trong công tác điều hành, cung ứng dịch vụ công.
"Ở nhiều cơ quan, đơn vị người đứng đầu chưa quan tâm, công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động và trách nhiệm giải trình, đã phát hiện, xử lý 111 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm về công khai, minh bạch", ông Mạnh nêu.
Mặt khác, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề cập tới tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong thi hành công vụ, chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính. Vi phạm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa được chấn chỉnh và khắc phục kịp thời.
Qua kiểm tra thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại gần 7.000 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã phát hiện, xử lý 178 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm, tăng 98 trường hợp so với năm 2021.
Thời gian tới, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về định mức, tiêu chuẩn, đơn giá còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn.
Đồng thời, có giải pháp khắc phục ngay tình trạng phân bổ, giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công chậm. Nghiên cứu, có giải pháp mạnh mẽ trong cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, công khai trên các phương tiện thông tin, danh sách các bộ, ngành, địa phương chậm ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, 2023 và các tổ chức, cá nhân có hành vi lãng phí, vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.