Kinh tế Tây Bắc hưởng lợi từ dự án nâng cấp sân bay Điện Biên

KINH TẾ Hàng KHông
09:10 - 21/01/2022
Cảng hàng không Điện Biên
Cảng hàng không Điện Biên
0:00 / 0:00
0:00
Dự án đầu tư xây dựng, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên dự kiến sẽ khởi công vào ngày 22/1, hoàn thành, đưa vào khai thác sau 30 tháng thi công.

Theo quy hoạch, Cảng hàng không Điện Biên giai đoạn 2021-2030 vừa được Bộ trưởng Bộ GTVT ký phê duyệt hồi tháng 11/2020 sẽ có đường băng được điều chỉnh kích thước dải hãm phanh, dải cất hạ cánh để khai thác an toàn máy bay Airbus A320, A321 và tương đương thay vì chỉ khai thác được máy bay ATR72 hoặc Embraer 190 như hiện nay.

Giai đoạn đến năm 2025, sân bay Điện Biên sẽ xây dựng 1 đường lăn rộng 15 m nối đường băng vào sân đỗ máy bay dân dụng mới; xây dựng sân đỗ máy bay bảo đảm đáp ứng tiếp nhận được 4 máy bay, gồm 3 vị trí đỗ máy bay Airbus A320, A321 hoặc tương đương và 1 vị trí đỗ máy bay ATR72 hoặc tương đương, đồng thời tiếp tục sử dụng sân đỗ máy bay hiện hữu.

Phối cảnh nâng cấp sân bay Điện Biên

Phối cảnh nâng cấp sân bay Điện Biên

Về công trình quản lý, điều hành bay, sẽ xây dựng mới trạm quan trắc khí tượng tự động đồng bộ với đường băng. Với nhà ga hành khách, giai đoạn đến năm 2025, nâng cấp, mở rộng nhà ga hành khách hiện hữu từ 300.0000 hành khách/năm lên 500.000 khách/năm.

Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) sẽ đầu tư mới công trình khu bay đáp ứng khai thác máy bay A320, A321 và tương đương; cải tạo nhà ga hiện hữu đáp ứng công suất 500.000 hành khách/năm; cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật được xây dựng đồng bộ.

Tổng vốn đầu tư dự án hơn 1.547 tỷ đồng, thời hạn hoạt động 50 năm. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 34 tháng kể từ khi chấp thuận chủ trương, ACV phải hoàn thành việc đầu tư dự án.

Tạo sức bật cho kinh tế miền núi Điện Biên

Dự án đầu tư xây dựng mở rộng cảng hàng không Điện Biên là dự án trọng điểm, có sức lan tỏa lớn thuộc vùng kinh tế động lực của tỉnh Điện Biên. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế, tăng khả năng huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn 2021-2025 thêm khoảng 15.000 tỷ đồng, từ đó góp phần tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 8.000 lao động

Đáng chú ý những năm gần đây, Điện Biên đã được một số nhà đầu tư, tập đoàn lớn (VinGroup, FLC, TH true milk, Flamingo, Tập đoàn Hải Phát, Tập Đoàn Đèo cả, Các nhà đầu tư phát triển Mắc Ca ...) quan tâm khảo sát đầu tư trên các lĩnh vực có tiềm năng về du lịch, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp và phát triển đô thị...

Tuy nhiên, việc triển khai hầu hết còn cầm chừng do các nhà đầu tư đang trông đợi tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng mở rộng cảng hàng không Điện Biên Phủ. Việc đầu tư mở rộng sân bay Điện Biên sẽ tác động đến liên kết - phát triển vùng, tác động đến liên kết phát triển tiểu vùng quốc tế.

Điện Biên nằm trên tuyến du lịch quốc gia: Hà Nội - Hoà Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu - Sa Pa - Lào Cai - Hà Nội, qua đó có thể đi du lịch kết hợp bằng các phương tiện đường không, đường bộ, với lợi thế lớn khi dự án tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên, tuyến Cao tốc Hà Nội - Lào Cai - Sa Pa và dự án cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên được triển khai xây dựng hoàn thành.

Theo thống kê năm 2019 (trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19) có khoảng 845.000 lượt du khách đến Điện Biên, thời gian lưu trú khoảng 2,4 ngày, trong đó có khoảng 25.300 lượt hành khách đi bằng đường hàng không, chiếm 3%; phần lớn đi bằng đường bộ chiếm 97%.

Với vị trí địa lý tiếp giáp trực tiếp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tỉnh Phong Xa Lỳ và Luông Phra Băng (Lào), Điện Biên nằm trong mối liên kết quan trọng giữa Việt Nam với Trung Quốc và Asean.

Đây là khu vực có điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại xuất nhập khẩu, chế biến nông sản và thương mại biên giới, thông qua các hệ thống kết nối: Điện Biên - Tuyến đường R3 nối Côn Minh - Băng Cốc đi qua Luông Nậm Thà và Bò Kẹo.

Tuyến Điện Biên - U Đốm Xay - Luông Phra Băng kết nối với tuyến đường đường sắt cao tốc xuyên Á từ Côn Minh đi Singapore; ngoài ra còn có kết nối tuyến đường thủy Sông Mê Kông trong tiểu vùng gồm 6 nước hiện đã có 14 cảng quốc tế giữa Lào - Trung Quốc - Myanma - Thái Lan.

Khi cảng hàng không Điện Biên Phủ được nâng cấp, ngoài việc nâng cấp khả năng phát triển liên kết quốc tế tiểu vùng bằng đường bộ sẽ có điều kiện mở rộng kết nối bằng đường hàng không với cố đô Luông Phra Băng của Lào, Côn Minh (Trung Quốc), Chiềng Mai (Thái Lan).

Trong tương lai cảng hàng không Điện Biên Phủ sẽ giúp Điện Biên trở thành cửa ngõ giao thương của Việt Nam với các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng theo định hướng hợp tác phát triển của Chính phủ và các nước Asian đã thống nhất.

Điện Biên là cảng hàng không nội địa cấp 3C. Kết cấu hạ tầng chính gồm: Một đường cất/hạ cánh kích thước 1.830x30m được đưa vào sử dụng từ năm 1994; hệ thống trang thiết bị hạ cánh giản đơn; sân đỗ tàu bay có 3 vị trí đỗ; nhà ga hành khách được xây dựng năm 2004 có công suất 300.000 hành khách/năm.

Do hạn chế về tĩnh không hai đầu đường cất/hạ cánh (vướng núi) nên hiện tại Cảng hàng không Điện Biên chỉ đảm bảo khai thác tàu bay ATR72 và tương đương vào ban ngày (trong điều kiện thời tiết cho phép).

Tin liên quan

Đọc tiếp