Quý 3/2023, doanh thu thuần của VNG đạt 2.332,9 tỷ đồng. |
CTCP VNG (UPCoM: VNZ) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023, ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.332,9 tỷ đồng, tăng 11% so với quý 2/2022, lợi nhuận gộp của công ty từ đó cũng tăng nhẹ 3,6% lên 977,5 tỷ đồng.
Bóc tách cơ cấu doanh thu, dịch vụ trò chơi trực tuyến chiếm hơn 75% tổng doanh thu của VNG, ghi nhận tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước, lên 4.892,2 tỷ đồng. Cùng với đó, doanh thu dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông và Internet và dịch vụ nhạc chờ, bản quyền bài hát lần lượt tăng 39,5% và 42,2%, tương ứng với 689,8 tỷ đồng và 30,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu quảng cáo trực tuyến giảm 34,6% về còn 691,5 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của VNG đạt 28,2 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí tài chính tăng đáng kể, từ 695,1 triệu đồng của quý 3/2022 lên 52,5 tỷ đồng. Trong đó, quý 3 năm nay, công ty phát sinh thêm chi phí lãi vay hơn 29,4 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận 334,8 tỷ đồng, giảm 12% so với quý 2/2022 trong khi chi phí bán hàng gần như không quá biến động, đạt 718,2 tỷ đồng.
Khấu trừ thuế, phí, quý 3 năm nay, VNZ chịu khoản lỗ 171,8 tỷ đồng, giảm 33,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ quản lý chi phí một cách hiệu quả. Trong khi, tại quý 2/2023, VNG báo lãi sau thuế hơn 50 tỷ đồng do công ty tiến hành cắt giảm chi phí quảng cáo và nhờ vào sự thành công của các sản phẩm trò chơi mới.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, VNG ghi nhận doanh thu 6.431,2 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế là 465,1 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với khoản lỗ 768,1 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, VNZ đặt mục tiêu hạ mức lỗ ròng năm nay về còn 378 tỷ đồng nên kết quả trên vẫn nằm trong dự báo của công ty.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản tại ngày 30/9/2023 của VNG đạt 9.756,2 tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm. Trong đó, 5.576,1 tỷ đồng là tiền, tiền gửi ngân hàng và các khoản tương đương tiền chiếm gần 1/2 tổng tài sản. So với đầu năm, khoản này tăng hơn 1.036,6 tỷ đồng.
Về các khoản đầu tư vào công ty liên kết, tổng giá trị đầu tư của VNG tính đến ngày 30/9/2023 là hơn 1.992,2 tỷ đồng. Đáng chú ý, chỉ duy nhất khoản đầu tư vào Dayone là có lãi với hơn 4,7 tỷ đồng, còn lại các công ty Tiki Global, Rocketeer, Ecotruck, Beijing, Telio và Funding Asia đều thua lỗ.
Trong đó, khoản đầu tư vào Tiki đã bị "ăn mòn" toàn bộ, bởi khoản lỗ lũy kế VNG phải gánh từ Tiki đã bằng đúng với số tiền đầu tư (hơn 510 tỷ đồng). Tương tự với Beijing, công ty cũng phải chịu khoản lỗ hơn 35 tỷ đồng bằng với số tiền đầu tư. Đồng thời, khoản đầu tư vào Telio lỗ gần 290,2 tỷ đồng; tại Funding Asia lỗ 82,7 tỷ đồng; tại Ecotruck lỗ gần 37 tỷ đồng...
Nửa đầu năm nay, VNG phát sinh thêm khoản đầu tư hơn 104 tỷ đồng vào công ty thương mại điện tử xuyên biên giới OpenCommerce Group của Singapore. Tuy nhiên, khoản đầu tư này hiện cũng chứng kiến khoản lỗ hơn 2,2 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả của công ty là 5.097 tỷ đồng, tăng 34,6% so với cuối năm 2022, với 3.787,2 tỷ đồng là nợ ngắn hạn bao gồm 1.511,7 tỷ đồng chi phí phải trả ngắn hạn; 729,5 tỷ đồng vay ngắn hạn; hơn 739,5 tỷ đồng phải trả ngắn hạn...