Khấu trừ thuế phí, Viglacera báo lãi sau thuế quý 3 gần 434 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Minh Phong |
Cụ thể, trong quý 3/2023, Viglacera ghi nhận doanh thu 3.471 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận gộp từ đó cũng tăng đáng kể từ 819 tỷ đồng lên 1.069 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính giảm nhẹ về còn 19,5 tỷ đồng, chủ yếu tới từ lãi tiền gửi, tiền cho vay.
Trong kỳ, chi phí tài chính của Viglacera tăng 35% lên 98,7 tỷ đồng, trong khi ghi nhận khoản lỗ 6,1 tỷ đồng từ công ty liên kết liên doanh, kém xa khoản lãi 34,3 tỷ đồng của cùng kỳ 2022. Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm lần lượt 15% và 23% về còn 215 tỷ đồng và 185,6 tỷ đồng.
Khấu trừ thuế phí, Viglacera báo lãi sau thuế quý 3 gần 434 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của Viglacera đạt 10.183 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ 2022. Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế của VGC cũng lần lượt giảm về 1.589 tỷ đồng và 1.211 tỷ đồng, giảm tương ứng 22,5% và 29%.
Trong năm 2023, Viglacera lên kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 15.750 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.210 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành 65% kế hoạch doanh thu và vượt chỉ tiêu lợi nhuận 31,3%.
Xét về cơ cấu doanh thu, doanh thu thuần bán hàng đạt 5.884 tỷ đồng, bao gồm doanh thu bán sản phẩm kính gương đạt 1.506 tỷ đồng (giảm 33%), các sản phẩm gạch ốp lát đạt 2.512 tỷ đồng (giảm 1,5%)…
Doanh thu thuần cung cấp dịch vụ đạt 4.472 tỷ đồng với 3.852 tỷ đồng tới từ doanh thu cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng, tăng 39,6%. Tuy doanh thu cung cấp dịch vụ thấp hơn doanh thu thuần bán hàng, biên lợi nhuận gộp của mảng này lại cao hơn với 46,5% so với 16,6%.
Tính đến cuối quý 3/2023, tổng tài sản của doanh nghiệp ghi nhận 23.606 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm, trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 39% lên 1.642 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng 13% lên 4.781 tỷ đồng.
Viglacera có hơn 5.401 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại các dự án KCN Thuận Thành giai đoạn 1 (1.439 tỷ đồng); KCN Yên Mỹ (818.6 tỷ đồng); KCN Phú Hà giai đoạn 1 (758 tỷ đồng); khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải (596,8 tỷ đồng)...
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của Viglacera giảm nhẹ so với đầu năm về còn 13.565 tỷ đồng, bao gồm 8.015 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 5.550 tỷ đồng nợ dài hạn. Dư nợ tài chính tại cuối quý 3/2023 đạt 4.539 tỷ đồng, tăng 25,5%.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, công ty đã thu hơn 6.147 tỷ đồng từ đi vay, đồng thời cũng chi gần 5.182 tỷ đồng để trả nợ gốc vay, tăng tương đối so với cùng kỳ 2022.