Lãi ròng quý 3 của Vinamilk giảm 22%, biên lợi nhuận xuống thấp nhất 7 năm

VINAMILK ngành sữa
19:27 - 30/10/2022
Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao khiến biên lợi nhuận gộp của Vinamilk đi xuống.
Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao khiến biên lợi nhuận gộp của Vinamilk đi xuống.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh thu sụt giảm trong khi giá vốn bán hàng tăng cao khiến Vinamilk ghi nhận lợi nhuận sau thuế đi lùi 22% so với kết quả thực hiện trong quý 3/2021.

CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM) công bố báo cáo tài chính quý 3/2022 với doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 16.079 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, giá vốn bán hàng tăng 5% lên 9.729 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm xuống mức 39,4%. Đây là mức biên lãi gộp thấp nhất của Vinamilk kể từ quý 1/2015.

Doanh thu tài chính và các khoản chi phí bán hàng, chi phí doanh nghiệp không biến động nhiều trong khi chi phí tài chính tăng từ 63 tỷ đồng lên 143 tỷ đồng (chi phí lãi vay chiếm 50 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái). Lãi từ công ty liên doanh, liên kết giảm từ 15 tỷ đồng xuống 5 tỷ đồng.

Kết quả, Vinamilk mang về lợi nhuận sau thuế 2.323 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, công ty đầu ngành sữa ghi nhận doanh thu 44.887 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,4% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 8.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 6.708 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ.

VNM đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất cho năm 2022 là 64.070 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 12.000 tỷ đồng, tương ứng đạt 105% và 93% so với năm 2021. Như vậy sau 9 tháng, công ty đã hoàn thành 70% mục tiêu doanh thu và 68% mục tiêu lợi nhuận.

Tổng tài sản của Vinamilk tại thời điểm cuối quý 3/2022 là 51.200 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, giảm đáng kể là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (từ hơn 21.000 tỷ đồng xuống hơn 19.500 tỷ đồng) và hàng tồn kho (từ 6.773 tỷ đồng xuống 5.777 tỷ đồng).

Ngược lại, giống như nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn khác, công ty tăng nắm giữ tiền mặt lên 2.867 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng, tài sản dở dang dài hạn cũng ghi nhận tăng.

Về nợ phải trả, con số tổng cộng là 17.355 tỷ đồng, giảm chút ít so với đầu năm. Trong đó vay ngắn hạn chiếm 9.405 tỷ đồng, vay dài hạn 72 tỷ đồng.

Đây đều là các khoản vay bằng USD từ các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation chi nhánh TP HCM, MUFG Bank chi nhánh TP HCM, Mizuho Bank chi nhánh TP HCM, HSBC Việt Nam... Trong kỳ, công ty phát sinh khoản vay trị giá 2.338 tỷ đồng từ DBS Bank (Singapore).

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VNM diễn biến khá tích cực trong tháng 10. Mã kết phiên 28/10 ở mức giá 78.000 đồng, tăng 13% so với phiên đầu tháng.

Sau giai đoạn giảm dần đều từ mức đỉnh 105.000 đồng hồi tháng 1/2021 xuống vùng đáy 63.000 đồng hồi tháng 5/2022, việc hồi phục của VNM được kỳ vọng đã tạo đáy để bước vào chu kỳ tăng giá mới.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.