Tương lai khó đoán định
Khảo sát của Bloomberg gần đây cho thấy các nhà kinh tế kỳ vọng lạm phát tại Mỹ sẽ giảm xuống 3,7% vào cuối năm 2022 và 2,2% vào năm 2023. Trong kịch bản này, đợt tăng lãi suất đầu tiên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đến vào tháng 12/2022 thay vì tháng 6/2022 như thị trường nhận định.
Với khu vực đồng Euro, khảo sát về lạm phát của Bloomberg cũng cho thấy những tín hiệu tích cực. Mặc dù lạm phát ở khu vực này được dự báo đạt đỉnh vào cuối năm 2021 nhưng sẽ dần hạ nhiệt, xuống dưới mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào cuối năm 2022.
Tuy nhiên, nên nhớ rằng chỉ một năm trước, các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Bloomberg hồi tháng 12/2020 dự báo lạm phát của Mỹ sẽ về mức 2% vào cuối năm nay. Còn các nhà phân tích từ Deutsche Bank kỳ vọng lạm phát tại châu Âu sẽ ở mức 1,8% cùng thời điểm.
Thực tế, trong tháng 11 qua, lạm phát theo thước đo chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ tăng vọt 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1982 đến nay. Tại châu Âu, lạm phát toàn phần tăng 4,9% trong tháng 11, mức cao nhất trong vòng 25 năm. Thực tế này cho thấy đường đi của lạm phát trong năm sau vẫn là một câu đố lớn với thị trường bất chấp các dự báo lạc quan được đưa ra.
Lạm phát tại Mỹ tháng 11 tăng vọt lên 6,8% (đường màu xanh) trong khi lãi suất vẫn được Fed duy trì ở mức tiệm cận 0% (đường màu đỏ) (Nguồn: FRED) |
Lạm phát toàn phần tại khu vực EU tăng lên 4,9% trong tháng 11 (Nguồn: Eurostat) |
Trong bối cảnh đó, các ngân hàng trung ương toàn cầu đang thể hiện những lập trường trái chiều về thời điểm trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng. Chẳng hạn, đầu tháng này, Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận đã đến lúc ngừng dùng từ “nhất thời” khi nói về lạm phát, báo hiệu Fed đã sẵn sàng lộ trình siết chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến.
Ngược lại, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) lại không quá lo lắng về áp lực lạm phát trong nước dù trong ngắn hạn hay dài hạn. Lạm phát cơ bản ở nước này trong tháng 9 năm nay tăng lên mức 2,1%, lần đầu tiên trong 6 năm lọt vào biên độ lạm phát mục tiêu 2-3% mà RBA đưa ra.
Hàng loạt ngân hàng trung ương lớn bao gồm Fed, ECB, BỌ (Nhật Bản), BOE (Anh)... dự kiến sẽ họp chính sách tiền tệ trong tuần này. Nhưng dù các ngân hàng Trung ương phát đi tín hiệu gì, phản ứng của nhà đầu tư đang ngày càng bình tĩnh hơn.
Bằng chứng là cùng ngày Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng vọt 6,8%, mức cao nhất trong vòng 39 năm, chỉ số S&P 500 chốt phiên ở mức cao kỷ lục thời đại. Hai chỉ số chính còn lại của chứng khoán Mỹ là Dow Jones và Nasdaq Composite cũng áp sát mức đỉnh.
Phản ứng của thị trường cho thấy nhiều khả năng nhà đầu tư không còn quá quan ngại về nguy cơ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đảo chiều chính sách tiền tệ nới lỏng và tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.
Nhà phân tích Ray Attrill, trưởng bộ phận chiến lược thị trường ngoại hối tại NAB nhận định: "Thị trường rõ ràng đã chuẩn bị tâm lý cho những tin tức thậm chí còn tồi tệ hơn".
Đồng quan điểm, ông David Kostin, Giám đốc chiến lược thị trường cổ phiếu Mỹ tại Goldman Sachs lập luận rằng nhà đầu tư đang dần chấp nhận kỳ vọng Fed có thể tăng gấp đôi tốc độ thu hẹp gói mua tài sản ngay trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 12 này trước khi bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 6/2022.
S&P 500 lập đỉnh cùng ngày Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng vọt kỷ lục 6,8% (Nguồn: Google Finance) |
Thị trường chứng khoán Việt Nam ít chịu ảnh hưởng
Nói về xu hướng điều hành chính sách tiền tệ trên thế giới gần đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 hôm 5/12: “Thống kê cho thấy tính đến nay đã có 93 lượt tăng lãi suất của các ngân hàng Trung ương toàn cầu, riêng khoảng thời gian từ tháng 9 đến nay là 50 lượt, chỉ có 11 lượt hạ từ đầu năm đến nay. Tức là việc điều hành chính sách tiền tệ chung của thế giới đang thận trọng dần".
Trong bối cảnh đó, có một số quan ngại rằng mặt bằng lãi suất thế giới nâng dần lên sẽ ảnh hưởng đến biến động trên thị trường tài chính trong nước.
Về quan ngại này, trong một cuộc trao đổi với MEKONG ASEAN gần đây, TS. Vũ Sỹ Cường, chuyên gia Tài chính công (Học viện Tài chính) nhận định nhìn chung mặt bằng lãi suất thế giới tăng không có nhiều tác động tới hệ thống tài chính Việt Nam nói chung.
“Ngân hàng Nhà nước có xu hướng điều chỉnh lãi suất phụ thuộc vào tín hiệu lạm phát trong nước, ít ảnh hưởng bởi động thái của Fed. Do đó, Fed tăng lãi suất hay giảm lãi suất thì hầu như rất ít tác động đến Việt Nam”.
Lý giải sâu hơn nữa về tác động trên thị trường chứng khoán trong nước, TS. Võ Đình Trí, giảng viên Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, thành viên Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam (AVSE) cho rằng, vấn đề mặt bằng lãi suất toàn cầu tăng không phải yếu tố đáng quan ngại với giá cổ phiếu. Nhận định được đưa ra tại Đối thoại “Thị trường chứng khoán với gói kích thích kinh tế: Cú hích tăng trưởng và rủi ro bong bóng” sáng 13/12.
"Tại Việt Nam, tỷ trọng của nhóm ngành thực sự có khả năng bị ảnh hưởng bởi lãi suất không lớn so với tổng vốn hóa thị trường chứng khoán. Thêm vào đó khả năng Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất biên độ lớn là không thể xảy ra".
Tại Mỹ, tỷ trọng của nhóm ngành chịu tác động trực tiếp của vấn đề tăng lãi suất là rất lớn, nổi bật nhất là nhóm ngành công nghệ. Trong khi đó, ở Việt Nam, tỷ trọng của nhóm ngành thực sự có khả năng bị ảnh hưởng bởi lãi suất không lớn. Điều này dẫn đến sự khác biệt giữa phản ứng của thị trường chứng khoán trong nước với các thị trường chứng khoán quốc tế đặc biệt là Mỹ khi mặt bằng lãi suất tăng.
“Cổ phiếu nhóm ngành công nghệ của Mỹ thời gian qua tăng quá nhanh dẫn đến quan ngại mảng này đang được định giá quá cao. Do đó, đương nhiên khi Fed điều chỉnh tăng lãi suất, dù đột ngột, cổ phiếu của các công ty công nghệ Mỹ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, có khả năng rơi vào vùng điều chỉnh lớn. Quan trọng hơn, tỷ trọng của các công ty công nghệ trong tổng vốn hóa thị trường chứng khoán Mỹ là rất lớn, do đó mối quan ngại khi Fed tăng lãi suất càng đáng kể”, TS. Võ Đình Trí lập luận.