Ảnh: Traveloka |
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có Quyết định số 140/QĐ-UBND ngày 22/1/2024 về việc chính thức công nhận điểm du lịch “Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà” thuộc huyện Lạc Dương.
Theo Quyết định này, Trung tâm Du lịch Sinh thái và Giáo dục Môi trường thuộc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà là đơn vị trực tiếp quản lý, có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ các quy định của luật pháp có liên quan trong quá trình quản lý, khai thác kinh doanh du lịch tại Điểm du lịch này.
Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà nằm ở trung tâm cao nguyên Lâm Viên, được mệnh danh là mái nhà của Tây Nguyên. Được thành lập từ năm 2004, vườn mang tên ghép từ hai đỉnh núi Bioup cao 2.287m (cao nhất Lâm Đồng) và Núi Bà cao 2.167m. Đây là một trong những Vườn Quốc gia lớn nhất Việt Nam, là một phần của Khu Dự trữ Sinh quyển Langbiang, được UNESCO công nhận năm 2015.
Vườn có cảnh quan đa dạng sinh học và giá trị, được coi là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học ở Việt Nam, đạt hai danh hiệu là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới và Vườn Di sản ASEAN. Là khu vực được ưu tiên bảo vệ số 1 (SA3) trong Chương trình Bảo tồn các dãy núi chính Nam Trường Sơn.
Vườn có sự đa dạng sinh học kết hợp cùng các giá trị văn hóa, cảnh quan đặc biệt như đỉnh núi Bidoup, Langbiang, hồ Đan Kia - Suối Vàng, rừng thông, thác nước trên sông K’Rông Nô, khu rừng thông hai lá dẹt đại cổ thụ, khu rừng nguyên sinh Núi Hòn Giao,…
Do vậy, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà có tiềm năng và lợi thế lớn trong phát triển hoạt động du lịch sinh thái và giáo dục môi trường rừng.
Theo thống kê, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà có khoảng 2.077 loài thực vật, 131 loài thú, 304 loài chim, 15 loài hạt trần… Vườn là một trong 221 vùng chim quan trọng của thế giới, nơi được mệnh danh "Vương quốc của các loài hoa lan" với 302 loài lan…
Theo quy hoạch phát triển du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà của UBND tỉnh Lâm Đồng, quan điểm về phát triển du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà đã được xác định: Phát triển du lịch sinh thái phải tạo ra các sản phẩm du lịch sinh thái đích thực, góp phần thỏa mãn nhu cầu của du khách qua đó gia tăng khách du lịch đến với Đà Lạt, Lâm Đồng. Đồng thời, phải phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước, trong đó chú ý đến các mô hình mang tính sáng tạo, đột phá góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển du lịch sinh thái trong hệ thống các Vườn quốc gia Việt Nam.