Lạm phát Mỹ chạm đáy 2 năm 'tiếp sức' phố Wall phá đỉnh

LẠM PHÁT MỸ
07:50 - 13/07/2023
Lạm phát Mỹ chạm đáy 2 năm 'tiếp sức' phố Wall phá đỉnh
0:00 / 0:00
0:00
Trong tháng 6/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 3% so với cùng kỳ. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.

Theo số liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ vừa công bố, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của quốc gia này tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021. Nếu so sánh với tháng trước, chỉ số này đã tăng 0,2%. Như vậy, cả hai mức tăng đều thấp hơn dự báo của các chuyên gia lần lượt là 3,1% và 0,3%.

Giá năng lượng tăng 0,6%, dẫu vậy đã giảm 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Giá thực phẩm chỉ tăng 0,1% so với tháng 5, trong khi giá xe đã qua sử dụng - nguyên nhân chính khiến lạm phát gia tăng vào đầu năm 2022 - giảm 0,5%. Giá vé máy bay đã giảm 3% trong tháng 6 và giảm 8,1% so với cùng kỳ.

Lạm phát cơ bản (không tính giá nhiên liệu và lương thực thường xuyên biến động) tăng 4,8%, chậm nhất kể từ cuối năm 2021. So với tháng trước đó, chi phí này chỉ tăng 0,2%. Trong đó, chi phí nhà ở chiếm 70% mức tăng trong tháng 6.

Đáng chú ý, một chỉ số theo dõi giá thuê nhà cũng ghi nhận mức tăng thấp nhất kể từ năm 2021. Nhiều nhà kinh tế học dự báo giá nhà tiếp tục hạ nhiệt trong vài tháng tới.

Nhìn chung, theo CNBC, số liệu lạm phát tháng 6/2023 có thể giúp Fed "thở phào nhẹ nhõm". Ông George Mateyo, giám đốc đầu tư của Key Private Bank cho biết, đã có nhiều chuyển biến tích cực khi lạm phát có vẻ đã hạ nhiệt. Fed nhận định báo cáo tháng 6/2023 là minh chứng rằng các chính sách thắt chặt tiền tệ của họ đã đem lại tác dụng - lạm phát giảm trong bối cảnh nền kinh tế không bị đình trệ.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương có xu hướng đặc biệt chú ý tới lạm phát lõi - vẫn đang cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%.

Ông Mateyo nhận định báo cáo tháng 6 vẫn khó có thể ngăn Fed tăng lãi suất một lần nữa vào cuối tháng này.

Đồng quan điểm, giới chuyên gia phố Wall cũng nhận định khả năng cao Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp vào ngày 25-26/7 tới.

Tuy nhiên, thị trường đang có tín hiệu cho rằng đây sẽ là đợt tăng lãi suất cuối cùng. Sau đó, Fed sẽ tạm dừng và quan sát ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tiền tệ tới nền kinh tế.

Trước thông tin giảm phát hạ nhiệt, phố Wall ghi nhận các phản ứng tương đối tích cực. Các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ đi lên trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư ngày 12/7, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 86,01 điểm, tương đương 0,25%, lên 34.347 điểm.

Chỉ số S&P 500 tăng 32,9 điểm, tương đương 0,74%, lên mức cao mới trong năm nay là 4.472,16. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 158,26 điểm, tương đương 1,15%, lên mức 13.918,96. Cả S&P 500 và Nasdaq Composite đều đã chạm đỉnh kể từ tháng 4/2022.

Cổ phiếu của các công ty vốn hoá lớn liên quan đến công nghệ, vốn có xu hướng nhạy cảm với lãi suất cao hơn, đã giúp chỉ số S&P 500 tăng mạnh. Trong số 11 lĩnh vực thuộc chỉ số này, lĩnh vực công nghệ tăng 1,3%, chỉ số ngân hàng của S&P 500 cũng tăng 0,6%.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng vọt vào phiên 12/7, trước thềm mùa báo cáo quý 2 bắt đầu. Cổ phiếu Citigroup và Goldman Sachs tăng lần lượt 1,8% và 1,7%. Các ngân hàng trong nước cũng ghi nhận các mức tăng đáng khích lệ, với Comerica tăng 3,1% và Zions Bancorporation tăng 2,8%.

Đọc tiếp