CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán PNJ) công bố báo cáo tài chính quý 3/2022 với doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 7.364 tỷ đồng, tăng trưởng 740% so với cùng kỳ năm ngoái. Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp thu về đạt 1.248 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính đạt 6,4 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ. Thu nhập khác cũng tăng mạnh 870% lên 2,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, các khoản chi phí cũng tăng tương ứng. Đáng chú ý là chi phí bán hàng tăng 190% lên 726 tỷ đồng. Kết quả, doanh nghiệp báo lãi sau thuế 252 tỷ đồng, cải thiện lớn so với số lỗ gần 160 tỷ đồng trong quý 3/2021.
PNJ ghi nhận tăng trưởng mạnh trong quý 3/2022 trên mức nền so sánh thấp cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Còn so với 3 quý gần đây nhất thì lợi nhuận của PNJ lại cho thấy sự đi xuống.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, PNJ ghi nhận tổng doanh thu đạt 25.574 tỷ đồng, tăng trưởng 104% so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.340 tỷ đồng, tăng 133%.
Năm 2022, PNJ đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 25.834 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.320 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã hoàn thành mục tiêu năm 2022 trước 3 tháng. Năm 2021, PNJ đã không hoàn thành mục tiêu kinh doanh.
Tính đến cuối quý 3/2022, tổng tài sản của PNJ đạt 12.463 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Công ty gia tăng lượng tiền mặt với tiền và các khoản tương đương tiền chiếm 1.175 tỷ đồng, tăng 230%. Đồng thời chi thêm 400 tỷ đồng gửi ngân hàng trong kỳ.
Các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho cũng ghi nhận tăng. Hàng tồn kho tại thời điểm cuối kỳ là 9.288 tỷ đồng, trong đó có gần 4.200 tỷ đồng được sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay ngắn hạn tại các ngân hàng.
Tại phần tài sản dài hạn, PNJ đang ghi nhận khoản đầu tư góp vốn trị giá hơn 395 tỷ đồng vào Ngân hàng TMCP Đông Á (EAB). Ngân hàng này vẫn đang nằm trong diện kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước và cổ phiếu EAB không được phép chuyển nhượng nên PNJ phải trích lập dự phòng 100% cho khoản đầu tư này.
Nợ phải trả của PNJ giảm nhẹ gần 500 tỷ đồng so với đầu năm, còn 4.145 tỷ đồng. Nợ vay ngắn hạn giảm mạnh gần 1.000 tỷ đồng, còn 1.745 tỷ đồng. Nợ dài hạn cũng giảm mạnh từ 43 tỷ đồng xuống còn 9 tỷ đồng. Ngược lại, các khoản tăng là các khoản phải trả người bán ngắn hạn, phải trả người lao động, quỹ khen thưởng phúc lợi.
Tại thời điểm 30/9/2022, PNJ còn 2.396 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, hơn 1.200 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển. Ngày 31/10 tới đây, PNJ sẽ chốt quyền chi trả cổ tức đợt 3 năm 2021 bằng tiền mặt, tỷ lệ 8%.
Với hơn 246,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, PNJ sẽ phải chi ra gần 197 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này. Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2022, tổng mức cổ tức năm 2021 cho cổ đông là 20% bằng tiền mặt. Trước đó, PNJ đã tạm ứng 6% vào tháng 4 và 6% vào tháng 7. Như vậy, sau khi thanh toán đợt này, doanh nghiệp đã hoàn tất chỉ tiêu cổ tức năm 2021.
Cổ phiếu PNJ đang giao dịch ở vùng giá 101.000 đồng. Đây là một trong số ít những mã đi ngược thị trường trong 9 tháng đầu năm, với mức tăng 8,6%. Hồi tháng 6, cổ phiếu này từng leo lên mức đỉnh lịch sử gần 130.000 đồng.
Từ 1/8, PNJ đã không còn nằm trong rổ VN30. Mã thay thế là VIB của Ngân hàng Quốc tế.