Louis Vuitton muốn tổ chức đoàn tàu cổ hạng sang tuyến Bắc - Nam

ĐƯỜNG SẮT Việt nAM
11:21 - 24/11/2023
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho biết ngoài Louis Vuitton, nhiều hãng thời trang, hàng hiệu nổi tiếng cũng muốn tổ chức đoàn tàu này.

Trao đổi với Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng tại buổi làm việc ngày 23/11, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho biết Pháp muốn đầu tư vào hạ tầng giao thông tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực đường sắt.

Đại sứ Olivier Brochet thông tin, một số hãng thời trang, hàng hiệu nổi tiếng, trong đó có Louis Vuitton quan tâm, mong muốn tổ chức một đoàn tàu cổ hạng sang giữa Hà Nội - TP HCM phục vụ khách du lịch.

Tuy nhiên, để thực hiện điều này cần sửa chữa, cải tạo các toa tàu cổ đã khai thác từ 30 năm trở lên và nhập khẩu vào Việt Nam. Do vậy, Đại sứ mong rằng Bộ GTVT cho phép có các ngoại lệ so với các quy định hiện hành để các toa tàu này được chạy trên đường sắt Việt Nam.

Đại sứ cũng bày tỏ Pháp mong muốn hợp tác đầu tư tại Việt Nam trong các dự án đường sắt điện khí hóa như Thủ Thiêm - Long Thành, Hà Nội - Hải Phòng và trong phát triển đội tàu bay với các máy bay sản xuất tại Pháp như Airbus, ATR và sử dụng các công nghệ, thiết bị của Pháp tại sân bay Việt Nam...

Đại sứ Pháp cũng cho biết thêm, Chính phủ Pháp vừa quyết định viện trợ không hoàn lại 700.000 Euro để doanh nghiệp nước này tiến hành khảo sát, nghiên cứu dự án tôn tạo cầu Long Biên. Sau khi nghiên cứu xong, Cơ quan Phát triển Pháp sẵn sàng hỗ trợ một phần vốn cho việc tôn tạo. Ông đề nghị Bộ GTVT cùng TP Hà Nội thực hiện các thủ tục để phía Pháp sớm triển khai dự án.

Sau khi nghe đề xuất từ phía Đại sứ Pháp, về ý tưởng tổ chức chạy đoàn tàu cổ du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng ủng hộ, tuy nhiên ông yêu cầu phía Pháp cần nêu rõ cần các ngoại lệ khi sử dụng các toa tàu cũ, từ đó hai bên trao đổi, xác định thẩm quyền thuộc cơ quan nào để trình cơ quan đó giải quyết, trong đó có Bộ GTVT. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, Bộ GTVT sẽ phải trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến.

Đối với việc tôn tạo cầu Long Biên, Bộ trưởng nhấn mạnh, việc tôn tạo lại cầu có ý nghĩa rất lớn, không chỉ mang tính biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác giữa hai nước mà còn góp phần tạo thuận lợi kết nối, lưu thông cho người dân khu vực cầu hai bờ sông Hồng. Với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước, thẩm định kỹ thuật, Bộ GTVT ủng hộ và sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phía Pháp nghiên cứu, triển khai dự án.

Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn Pháp hỗ trợ, có các khoản vay ODA cũng như kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, phát triển các tuyến đường sắt, nhất là các tuyến đường sắt kết nối cảng biển, cửa khẩu, các trung tâm kinh tế...

Trong lĩnh vực hàng không, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, ngoài dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành đang triển khai, các dự án mở rộng cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Việt Nam sẽ đầu tư các sân bay quy mô vừa và nhỏ ở các tỉnh.

"Đây là tiềm năng mà Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân đầu tư, trong đó có các doanh nghiệp Pháp. Cùng với phát triển hạ tầng cảng hàng không là nhu cầu phát triển đội tàu bay. Vì vậy, Việt Nam mong muốn được thúc đẩy hợp tác với Pháp trong lĩnh vực này", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng gợi ý.

Tin liên quan

Đọc tiếp