Mã vùng trồng tạo thế khó cho doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng

Trái cây TRUNG QUỐC
21:11 - 26/08/2022
Mã vùng trồng tạo thế khó cho doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù sầu riêng và chanh leo đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn còn gặp thế khó, đặc biệt khi phải đăng ký mã số vùng trồng trước khi xuất khẩu.

Ngày 26/8/2022, tại tỉnh Đăk Lăk, Vụ thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị cung cấp thông tin thị trường, kết nối doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng và chanh leo Việt Nam với các nhà phân phối, nhập khẩu từ phía Trung Quốc.

Sau 6 năm đàm phán, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã có văn bản đồng ý thí điểm nhập khẩu chanh leo từ Việt Nam vào Trung Quốc. Theo ông Tô Ngọc Sơn, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), việc thí điểm này xuất phát từ nhu cầu của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Từ tháng 7/2022, chanh leo và sầu riêng Việt Nam đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Hiện chanh leo mới chỉ được xuất khẩu sang Quảng Tây thông qua 7 cửa khẩu. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ thúc đẩy mở rộng thí điểm tại thị trường Vân Nam (Trung Quốc).

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đăk Lăk ông Huỳnh Ngọc Dương phát biểu khai mạc.
Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đăk Lăk ông Huỳnh Ngọc Dương phát biểu khai mạc.

Khác với chanh leo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) và GACC đã ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch trái sầu riêng vào thị trường Trung Quốc thông qua tất cả cửa khẩu liên kết với quốc gia này. Nghị định chính thức có hiệu lực trong vòng 3 năm.

Nghị định thư cũng đánh dấu Việt Nam trở thành quốc gia thứ 2 được cung cấp sầu riêng tươi cho thị trường Trung Quốc (sau Thái Lan). Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng mới chỉ cho phép thêm Malaysia cung cấp sản phẩm sầu đông lạnh cho quốc gia này.

Chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm và vấn đề bảo vệ môi trường

Mặc dù được cấp “giấy thông hành” xuất chính ngạch sang Trung Quốc nhưng thực tế 2 loại trái cây trên còn gặp nhiều khó khăn. Với mặt hàng chanh leo, theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) kiêm Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, chanh leo của Việt Nam hiện không đảm bảo sản lượng để xuất khẩu. Nguyên nhân chủ yếu do gặp vấn đề về giống, sâu bệnh khiến năng suất năm nay giảm.

Trong khi đó, sầu riêng lại gặp vướng mắc ở vùng trồng, cơ sở đóng gói khi chưa có sự liên kết chặt chẽ. Phía Trung Quốc sẽ kiểm tra bằng hệ thống điện tử, nếu có sự chênh lệch như mã vùng trồng vượt mã sản lượng... lập tức hàng sẽ không được xuất khẩu.

“Cần làm thật ăn thật chứ đừng nghĩ che giấu nếu không doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong tương lai”, ông Hòa khẳng định. Với việc Lệnh 248 và 249 có hiệu lực, phía Trung Quốc sẽ giám sát quy trình an toàn thực phẩm từ khâu trồng trọt đến sơ chế xuất khẩu.

Bàn rõ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Sơn, Phó Vụ trưởng, Phó Chánh văn phòng, Văn phòng ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương) cho rằng có 2 vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm. Một là phải đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, hai là vấn đề môi trường.

Về tiêu chuẩn môi trường, doanh nghiệp được khuyến khích áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP…), hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng thuốc hữu cơ. Ông Sơn nhấn mạnh doanh nghiệp cần chú trọng đến mô hình kinh tế tuần hoàn, bởi mô hình này sẽ làm giảm hạn chế rác thải ra môi trường.

Yêu cầu chặt chẽ về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm xuất phát từ việc chuyển đổi phương thức quản lý của các nước nhập khẩu. Nếu như trước đây, quá trình kiểm tra còn tương đối lỏng lẻo, một lô hàng kiểm tra một vài container thì giờ đây, doanh nghiệp sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ ngay từ khâu quản lý nguồn, tức là kiểm tra giám sát cơ sở sản xuất.

Mặt khác, từ năm 2018, phía Trung Quốc đã yêu cầu tất cả vùng trồng của doanh nghiệp xuất khẩu vào quốc gia này phải đóng gói, đăng ký mã số với cơ quan có thẩm quyền (hiện là Tổng cục Hải quan Trung Quốc). Điều này đã tác động đến sản lượng và kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào thị trường này.

Ảnh tác giả“Mới đây, phía Trung Quốc đã tiến hành yêu cầu các nhà xuất khẩu phải đăng ký mã, vùng trồng dán nhãn mã vạch truy xuất nguồn gốc. Tương tự, phía châu Âu cũng yêu cầu về nhãn dán đối với trái cây nhập khẩu, quy trình thực hành nông nghiệp tốt như GlobalGAP”

Ông Nguyễn Sơn - Phó Vụ trưởng, Văn phòng ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương)

Bên cạnh đó, chính sách “Zero Covid” vẫn đang kìm chân trái cây Việt. Ông Hòa thông tin, ngày 22/8/2022 mặt hàng tinh bột sắn của Việt Nam đã phải tạm dừng xuất khẩu sang Trung Quốc do phát hiện Covid. Cuối năm 2021, đầu năm 2022 mặt hàng thanh long cũng đã phải gặp tình trạng tương tự.

Đi đường chính ngạch là cơ hội tăng kim ngạch vào Trung Quốc

Việc xuất khẩu thông qua đường chính ngạch được đánh giá là cơ hội đối với các doanh nghiệp, đặc biệt phương thức này sẽ giúp hạn chế tình cảnh hàng nghìn container hàng hóa nông sản bị ùn tắc chờ đợi tại cửa khẩu.

Ảnh tác giả

“Trong thời gian qua, chúng ta nhìn thấy sự thật phơi bày của vấn đề xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Đại dịch một lần nữa cho chúng ta thấy bức tranh toàn cảnh về sự cần thiết chuyển dịch hình thức xuất khẩu nông sản, đặc biệt là xuất khẩu trái cây"

Ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương)

Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, xuất khẩu chính ngạch sẽ là cơ hội tăng thị phần của hàng Việt Nam tại Trung Quốc (Hàng Việt Nam mới chỉ chiếm 3,5% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu của quốc gia này).

Theo thông tin từ thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, mỗi năm quốc gia này tiêu thụ khoảng 270 triệu tấn trái cây, bình quân đầu người đạt 56,3 kg/năm. Năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 15,2 tỷ USD trái cây. Riêng mặt hàng sầu riêng, nếu như năm 2014 chỉ mới nhập khoảng 300.000 tấn thì năm 2021 quốc gia này đã nhập khoảng 800.000 tấn.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam vẫn còn tương đối thấp. Năm 2021, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,9 tỷ USD; 7 tháng đầu năm 2022 đạt 877 triệu USD.

Để thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới, ông Hòa cho rằng các địa phương có cơ sở trồng chanh leo, sầu riêng nên phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật và các cơ quan có thẩm quyền xây dựng quy trình hướng dẫn, thực hành nông nghiệp tốt. Đặc biệt, cần lưu giữ hồ sơ, phải ghi rõ ràng thời gian xuống giống, vấn đề sâu bệnh. Nếu doanh nghiệp vi phạm, phía Trung Quốc sẽ yêu cầu kiểm tra trực tuyến 2 tuần. Doanh nghiệp không đáp ứng được sẽ bị dừng xuất khẩu.

“Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã bị dừng xuất khẩu dù đã xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều năm. Một doanh nghiệp thủy sản lớn của Trà Vinh đã phải buộc dừng xuất khẩu. Doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị ngay từ đầu, chứ đừng để bị kiểm tra mới loay hoay chuẩn bị”, ông Hòa nói.

Tin liên quan

Đọc tiếp