Masan nâng tổng nợ trái phiếu lên 21.000 tỷ đồng

MSN MASAN
18:43 - 23/02/2023
Chiếm phần lớn cơ cấu nợ của MSN là 21.000 tỷ đồng trái phiếu chưa đáo hạn, tăng 1.500 tỷ đồng so với ngày 31/12/2022.
Chiếm phần lớn cơ cấu nợ của MSN là 21.000 tỷ đồng trái phiếu chưa đáo hạn, tăng 1.500 tỷ đồng so với ngày 31/12/2022.
0:00 / 0:00
0:00
CTCP Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) đã có báo cáo kết quả đợt chào bán lô trái phiếu MSNH2227002 ra công chúng gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Theo đó, vào ngày 22/2, thông qua tổ chức đại lý phát hành là CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), Masan đã phát hành thành công 8 triệu trái phiếu thuộc lô MSNH2227002, đây là trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tổng mệnh giá 800 tỷ đồng.

Mục đích chào bán là để tăng cường tiềm lực tài chính cho doanh nghiệp, huy động nguồn vốn với chi phí hợp lý đáp ứng nhu cầu vốn phát sinh từ hoạt động kinh doanh và tái cơ cấu các khoản nợ.

Lô trái phiếu có kỳ hạn 60 tháng với lãi suất cố định năm đầu tiên là 9,5%, các kỳ tính lãi còn lại (mỗi kỳ 6 tháng) sẽ theo lãi suất thả nổi bằng tổng 3,975%/năm và lãi suất tham chiếu.

Tương tự như lô trái phiếu MSNH2227001 có tổng mệnh giá 700 tỷ đồng vừa được phát hành 2 ngày trước đó, chỉ có duy nhất một tổ chức đầu tư trong nước tham gia đợt chào bán này của Masan. Thông tin về tổ chức này không được công bố cụ thể.

Cơ cấu nợ của Masan sau đợt phát hành ngày 22/2.

Cơ cấu nợ của Masan sau đợt phát hành ngày 22/2.

Sau khi phát hành thành công 2 lô trái phiếu nói trên, tổng nợ phải trả tại ngày 22/2/2023 của MSN tăng 4,8% so với thời điểm cuối năm ngoái lên 32.561,6 tỷ đồng, bao gồm 20.708,2 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 11.853,4 tỷ đồng nợ dài hạn. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của Masan cũng tăng từ 218,3% lên 228,7%.

Chiếm phần lớn cơ cấu nợ của MSN là 21.000 tỷ đồng trái phiếu chưa đáo hạn, tăng 1.500 tỷ đồng so với ngày 31/12/2022.

Về tình hình kinh doanh, trong quý 4/2022, Masan ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 20.643 tỷ đồng, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm trước, dẫn tới lợi nhuận gộp giảm 1.323 tỷ đồng về còn 5.554,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, doanh thu hoạt động tài chính của công ty giảm tới 9 lần về còn 654,3 tỷ đồng trong khi chi phí hoạt động được duy trì ở mức cao, lợi nhuận sau thuế của Masan do đó giảm 88,7% về còn 803,6 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu hợp nhất của Masan đạt 76.189,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 4.754,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 14% và 53% so với thực hiện của năm 2021.

Năm 2022, công ty đặt mục tiêu kế hoạch doanh thu đạt 90.000 – 100.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 6.900 – 8.500 tỷ đồng. Với kết quả trên, Masan đã không hoàn thành kế hoạch đã đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4/2022.

Tin liên quan

Đọc tiếp