Mở hội nghị giao thương để thúc đẩy thực phẩm Việt vào châu Phi

Giao thương châu Phi
17:30 - 13/06/2022
Mở hội nghị giao thương để thúc đẩy thực phẩm Việt vào châu Phi
0:00 / 0:00
0:00
Từ ngày 14-15/6, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp tổ chức Hội nghị giao thương thực phẩm Việt Nam – châu Phi nhằm thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm của doanh nghiệp vào thị trường châu lục đen.

Mục đích nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng thực phẩm của Việt Nam tìm kiếm đối tác, kết nối các cơ hội kinh doanh và xuất khẩu thực phẩm sang thị trường các nước châu Phi, Hội nghị sẽ bao gồm Phiên toàn thể và các Phiên giao thương doanh nghiệp.

Tại phiên toàn thể, đại diện một số Thương vụ Việt Nam tại các nước châu Phi sẽ giới thiệu về tiềm năng, nhu cầu và cơ hội đối với các loại thực phẩm, cá và thuỷ hải sản khác của Việt Nam tại thị trường châu Phi. Sau phiên toàn thể sẽ diễn ra các Phiên giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp từ các nước châu Phi. Tại đây, doanh nghiệp có thể giới thiệu, quảng bá về sản phẩm, doanh nghiệp, tìm kiếm thêm các đối tác tiềm năng.

Thời gian qua, thông qua hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại với khu vực thị trường châu Phi cho thấy, đa phần các nước châu Phi đánh giá cao và tin tưởng vào chất lượng nhiều mặt hàng thực phẩm Việt Nam. Thị trường châu Phi cũng có nhu cầu nhập khẩu đa dạng các loại thực phẩm phục vụ số dân đang tăng nhanh và có thu nhập ngày càng cải thiện, đồng thời bù đắp những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất do dịch Covid-19.

Đặc biệt, những quốc gia nằm sâu trong lục địa châu Phi chịu ảnh hưởng của khí hậu sa mạc ở Tây và Trung Phi rất khó khăn về trồng trọt, sản xuất lương thực, thực phẩm nên nhu cầu nhập khẩu rất lớn. Như vậy, còn nhiều dư địa phát triển xuất khẩu cho nhóm hàng thực phẩm của Việt Nam sang thị trường châu Phi, nhất là những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng lớn, sản xuất nội khối của châu Phi chưa đủ đáp ứng như sản phẩm chế biến từ cà phê, hạt tiêu, gạo…

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực châu Phi đạt 2,24 tỷ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2020. 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi đạt 1,15 tỷ USD, giảm nhẹ 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo các chuyên gia, hiện nay, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang châu Phi là gạo (chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi). Vấn đề an ninh lương thực vốn được các nước châu Phi quan tâm, và càng được quan tâm hơn trong bối cảnh đại dịch Covid 19 đang hoành hành. Trong khi đó, sản xuất gạo của các nước châu Phi chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của khu vực này. Do đó, gạo Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước châu Phi, đặc biệt là Bờ Biển Ngà, Ghana, Mozambique.

Bên cạnh gạo, châu Phi cũng có nhu cầu lớn về mặt hàng cà phê và hạt tiêu. Hàng năm, châu Phi dành khoảng 750 triệu USD để nhập khẩu cà phê. Trong đó, Việt Nam là 1 trong 5 thị trường cung ứng chính. Ngoài xuất khẩu thô, một số thương hiệu cà phê chế biến của Việt Nam như Trung Nguyên, King Coffee cũng được quan tâm tại khu vực này.

Tuy nhiên, để xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm, sang châu Phi, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn như vấn đề vận chuyển và bảo quản hàng phù hợp để di chuyển qua chặng đường xa, nhiều thủ tục, luật lệ trong thương mại của hầu hết các quốc gia châu Phi còn chưa phát triển như các thị trường ở Châu Âu, Châu Mỹ.

Do đó, doanh nghiệp cần đầu tư nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, tìm ra những mặt hàng không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu thị trường mà còn giải quyết được các bài toán liên quan đến các khâu logistics cho hàng thực phẩm.

Bên cạnh đó, khi làm ăn tại thị trường châu Phi, các doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu kỹ tập quán kinh doanh của thị trường cũng như các quy định pháp lý để tránh rủi ro.

Tình trạng lừa đảo ở các nước châu Phi khá phổ biến như thông qua hình thức đấu thầu, đối tượng dễ đồng ý mua hàng Việt Nam với giá cao, đề nghị Việt Nam gửi tiền để lo thủ tục. Hoặc đối tượng chào bán hàng cho doanh nghiệp Việt Nam với giá thấp, yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam đặt cọc… Sau khi nhận được tiền từ doanh nghiệp Việt Nam, đối tượng sẽ đóng website và bỏ trốn.

Ngoài hiện tượng lừa đảo, tại châu Phi, hàng Việt Nam còn phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của nhiều nước Châu Á khác như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia…

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.