Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia bắt đầu thí điểm chế độ tuần làm việc 4 ngày. Ảnh: iStock |
Theo hãng tin Kompas đưa tin, chế độ tuần làm việc 4 ngày, còn được gọi là lịch làm việc nén, sẽ được thí điểm từ tuần này và kéo dài trong vòng 2 tháng tới. Trong khuôn khổ chương trình, các nhân viên của cơ quan này có thể nộp đơn xin làm việc 4 ngày một tuần và cứ 2 tuần một lần.
Để đủ điều kiện, các nhân viên sẽ phải làm việc tối thiểu 40 giờ trong 4 ngày, có sản lượng công việc có thể đo lường được và được người giám sát chấp thuận yêu cầu. Ngoài tuần làm việc 4 ngày, các chế độ khác như các cách sắp xếp công việc linh hoạt khác bao gồm cho phép nhân viên làm việc tại nhà cũng được đưa ra.
Hầu hết các công ty ở Indonesia áp dụng tuần làm việc 4 ngày đều là các công ty khởi nghiệp - ví dụ như công ty fintech ALAMI Sharia, nền tảng thanh toán thương mại điện tử Bolt và nền tảng gây quỹ Kickstarter.
Nhận định về chế độ làm việc này, hãng tin CNA dẫn lời Thư ký Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia Rabin Indrajad Hattari cho biết thử nghiệm nhằm mục đích tìm hiểu xem liệu tuần làm việc 4 ngày có làm tăng năng suất của nhân viên hay không.
Ngoài ra, chế độ này cũng sẽ giúp tìm ra những người quản lý có năng lực quản lý hiệu quả nhóm của mình. Ông Rabin cho biết: “Nhóm có thể đang làm việc quá sức, vì vậy người quản lý phải đảm bảo rằng nhóm có cơ hội cân bằng giữa công việc và cuộc sống, đó chính là vấn đề”.
Ông Rabin khẳng định đây “là một trong những chương trình nhằm cải thiện phúc lợi cho người lao động”. Trước đó, trong cuộc khảo sát do cơ quan này thực hiện hồi tháng 1 đầu năm về mức độ căng thẳng của nhân viên, kết quả cho thấy người lao động cần có sự cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống.
Tới tháng 3, chế độ tuần làm việc 4 ngày đã được Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước Erick Thohir đề xuất như một cách để cải thiện sức khỏe tâm lý của nhân viên. Theo ông, 70% thế hệ trẻ của đất nước gặp vấn đề về sức khỏe tâm lý ảnh hưởng đến năng suất.
Hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể về việc liệu thử nghiệm này có mở rộng sang các bộ khác của chính phủ hay không. Với khoảng 400 nhân viên, Bộ Doanh nghiệp Nhà nước là một trong những bộ nhỏ nhất trong số 34 bộ của Indonesia. Tuy nhiên, ông Thohir trước đây cho biết các doanh nghiệp nhà nước Indonesia có thể cân nhắc phương án này. Quốc gia này có 41 doanh nghiệp nhà nước, tuyển dụng khoảng 1,6 triệu người.
Indonesia không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới đưa chế độ làm việc này vào thử nghiệm. Theo Euro News, các quốc gia châu Âu đã tham gia thử nghiệm này bao gồm Đức, Bỉ, Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Trong khi đó ở châu Á, một số thành phố ở Nhật Bản đã bắt đầu thí điểm tuần làm việc 4 ngày. Tới tháng 4/2025, kế hoạch sẽ được triển khai tại Nhật Bản cho toàn bộ nhân viên. Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng một hệ thống tương tự từ trước đó nhưng dành cho những nhân viên có trách nhiệm đặc biệt như chăm sóc con cái hoặc thành viên khác trong gia đình.