Một nửa sông băng trên thế giới sẽ tan vào cuối thế kỷ này

Khí hậu THẾ GIỚI
08:59 - 06/01/2023
Một mảnh của sông băng Perito Moreno, một phần của cánh đồng băng phía nam Patagonia, bị vỡ ra tại Công viên quốc gia Los Glaciares, tỉnh Santa Cruz, Argentina ngày 5/4/2019. Ảnh: Getty Images
Một mảnh của sông băng Perito Moreno, một phần của cánh đồng băng phía nam Patagonia, bị vỡ ra tại Công viên quốc gia Los Glaciares, tỉnh Santa Cruz, Argentina ngày 5/4/2019. Ảnh: Getty Images
0:00 / 0:00
0:00
Theo một nghiên cứu được công bố gần đây, một nửa số sông băng trên Trái Đất có thể sẽ tan vào cuối thế kỷ này vì biến đổi khí hậu. Tuy nhiên nếu sự nóng lên toàn cầu được hạn chế, tình hình sẽ được cải thiện.

AFP trích dẫn một nghiên cứu công bố trên tạp chí Science hôm 5/1 về tương lai của 215.000 sông băng trên thế giới. Để giúp các nhà hoạch định chính sách định hướng tác động của biến đổi khí hậu lên sông băng dễ dàng hơn, nghiên cứu đã xem xét ảnh hưởng của 4 kịch bản khác nhau với sự thay đổi nhiệt độ trung bình toàn cầu lần lượt là 1,5 độ C, 2 độ C, 3 độ C và 4 độ C.

Giáo sư Regine Hock thuộc Đại học Oslo và Đại học Alaska Fairbanks, đồng tác giả của nghiên cứu, nhận định với mỗi mức độ tăng của nhiệt độ toàn cầu, sông băng sẽ tan ngày càng nhiều và tạo ra nhiều tác động tiêu cực hơn. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu nhiệt độ được giữ ổn định, những tác động tiêu cực có thể được kiểm soát.

Dù vậy, mục tiêu giữ nhiệt độ không gia tăng có vẻ tương đối khó khăn với thế giới. Theo nghiên cứu này, ngay cả khi sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu được giới hạn ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp - mục tiêu tham vọng nhất mà Thỏa thuận Paris đang hướng tới - ước tính 49 % sông băng thế giới vẫn sẽ tan vào năm 2100. Số băng tan này sẽ tương đương với 26% khối lượng băng trên toàn cầu do các sông băng nhỏ sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên.

Nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng thêm 2,7 độ C, gần như toàn bộ các sông băng ở Trung Âu, Tây Canada, lục địa Mỹ và New Zealand sẽ tan chảy. Trong khi đó, các khu vực có băng tương đối ít như dãy núi Alps tại châu Âu, Kavkaz, Andes hay miền tây Mỹ gần như chắc chắn sẽ mất tất cả băng tới cuối thế kỷ này bất chấp kịch bản là gì.

Mặt khác, trong trường hợp xấu nhất khi nhiệt độ toàn cầu tăng 4,0 độ C, các sông băng khổng lồ như ở Alaska sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn. Nếu kịch bản này xảy ra, 83 % sông băng sẽ biến mất vào cuối thế kỷ này.

Một khi sông băng biến mất, mực nước biển sẽ gia tăng do băng tan. Theo Giáo sư Regine Hock, sự nóng lên 1,5 độ C trong nhiệt độ toàn cầu sẽ khiến nước biển dâng 9cm trong khi nhiệt độ cao hơn 4,0 độ C sẽ gây ra 15cm mực nước biển dâng. Dù không phải con số thống kê đáng kể, ảnh hưởng của nó không chỉ nằm ở việc khiến nước biển dâng mà còn gây tác động liên đới tới nhiều lĩnh vực khác.

Cụ thể, Giáo sư Hock cho biết trong viễn cảnh băng tan và nước biển dâng, hầu hết các cơn bão sẽ có khả năng gây ra nhiều thiệt hại hơn. Sự biến mất của sông băng cũng sẽ gây tác động đến tài nguyên nước vì chúng cung cấp nước ngọt cho khoảng 2 tỷ người. Vào mùa hè khi trời không mưa nhiều và thời tiết nóng, các sông băng đã bù đắp lại việc mất nước.

Kết quả nghiên cứu này có phần nào bi quan hơn so với các nghiên cứu được công bố bởi Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, nó cũng giống như bao nghiên cứu khác đều nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hạn chế khí thải nhà kính, từ đó hạn chế hậu quả của băng tan như mực nước biển dâng và cạn kiệt tài nguyên nước.

Giáo sư Hock cho biết tổn thất có thể được hạn chế tới mức tối thiểu bằng nhiều hành động của con người, tuy nhiên việc này phụ thuộc nhiều vào quá trình hoạch định chính sách và sự hợp tác của các chính phủ.

Đọc tiếp