Mỹ đối mặt nguy cơ vỡ nợ trước tháng 7 nếu không nâng trần nợ công

KINH TẾ MỸ
12:09 - 16/02/2023
Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ. Ảnh: NYT
Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ. Ảnh: NYT
0:00 / 0:00
0:00
Hôm 15/2, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cho biết trước tháng 7 năm nay Bộ Tài chính nước này có thể sẽ không còn khả năng thanh toán bất kỳ hóa đơn nào, trừ phi mức trần nợ công 31.400 tỷ USD được nâng lên hoặc đình chỉ.

Các tranh cãi liên quan tới nâng mức trần nợ công đang trở nên nóng hơn bao giờ hết từ 19/1 sau khi Mỹ chạm mức giới hạn nợ 31.400 tỷ USD. Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết cơ quan này có thể tiếp tục thanh toán nợ, trợ cấp liên bang và thực hiện các khoản chi khác ít nhất cho đến ngày 5/6 bằng cách sử dụng biên lai tiền mặt và các biện pháp quản lý tiền mặt đặc biệt.

Tuy nhiên nếu quốc hội không can thiệp, Bộ Tài chính có khả năng cao sẽ bắt đầu vỡ nợ. Báo cáo triển vọng ngân sách hàng năm được công bố ngày 15/2 của CBO cũng đưa ra các nhận định tương tự. Theo Reuters, CBO cảnh báo Mỹ có thể sẽ trải qua một vụ vỡ nợ liên bang lịch sử trước tháng 7 năm nay nếu doanh thu chảy vào kho bạc trong tháng 4 tới – thời điểm người dân Mỹ nộp hồ sơ thuế thu nhập hàng năm – chậm trễ hơn so với kỳ vọng.

Theo CBO, chính phủ có khả năng sẽ không thể thanh toán các nghĩa vụ của mình nếu mức trần nợ công hiện tại không được nâng lên hoặc đình chỉ trước khi các biện pháp đặc biệt hết tác dụng. Kết quả của việc này là 3 viễn cảnh hoặc chính phủ Mỹ sẽ phải trì hoãn việc thanh toán cho một số nghĩa vụ, hoặc không trả được nợ hoặc cả hai.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nhiều lần yêu cầu Quốc hội nâng trần nợ công hoặc đình chỉ không đi kèm bất kỳ điều kiện nào. Tuy nhiên Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ lại đang gặp bất đồng trong việc giải quyết vấn đề.

Cụ thể, Đảng Cộng hòa – bên đang kiểm soát Hạ viện - đưa ra điều kiện phe đối lập đồng ý cắt giảm sâu chi tiêu để thông qua việc nâng trần nợ công. Tuy nhiên ở hướng ngược lại, các nghị sĩ Đảng Dân chủ lại tuyên bố giới hạn nợ không nên bị sử dụng như một “con tin” cho Đảng Cộng hòa thực hiện các mục tiêu chiến thuật lên việc chi tiêu liên bang.

Một trong những mối quan tâm hàng đầu và là tâm điểm của các cuộc tranh luận về giới hạn nợ công cũng như trợ cấp của chính phủ chính là an sinh xã hội cho người hưu trí và Medicare – chương trình chăm sóc sức khỏe cho công dân Mỹ từ 65 tuổi trở lên.

Về phía người dân, một cuộc thăm dò dư luận của Reuters/Ipsos được tiến hành từ ngày 6/2 tới 13/2 cho thấy có nhiều người Mỹ bày tỏ sự lo lắng các vấn đề về nợ công có thể ảnh hưởng tới tình hình tài chính của bản thân mình.

Cụ thể theo cuộc khảo sát này, có tới 55% số người trưởng thành được hỏi không theo dõi kỹ càng các tranh luận liên quan tới nâng trần nợ công. Tuy nhiên, có tới 75% số người được hỏi cho biết Quốc hội cần phải đạt được thỏa thuận vì việc vỡ nợ sẽ gây thêm căng thẳng tài chính cho các gia đình, phần lớn là do chi phí đi vay gia tăng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một chiến thắng trong việc tạm dừng phán quyết gian lận dân sự trị giá 454 triệu USD, từ đó tránh được việc bị chính quyền bang New York thực hiện các bước để tịch thu tài sản.