Mỹ tiếp tục chặn nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ở Dải Gaza

XUNG ĐỘT Israel - Hamas
12:36 - 21/02/2024
Quang cảnh cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ngày 20/2. Ảnh: AP
Quang cảnh cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ngày 20/2. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Mỹ phủ quyết một dự thảo nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc yêu cầu ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức trong cuộc chiến giữa Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Theo Al Jazeera, tại cuộc họp của 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 20/2, các quốc gia Ả Rập, dẫn đầu là Algeria, đã đưa dự thảo nghị quyết ra biểu quyết dù biết rằng nó có thể sẽ không được thông qua. 13 nước đã bỏ phiếu ủng hộ văn bản yêu cầu ngừng ngay các cuộc giao tranh ở Dải Gaza. Trong khi đó, Mỹ là nước duy nhất bỏ phiếu chống, còn Anh bỏ phiếu trắng.

Để một nghị quyết được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua, cần có ít nhất 9 phiếu ủng hộ và không có bên nào trong 5 thành viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Nga hoặc Trung Quốc dùng quyền phủ quyết.

Trước đó, Mỹ đã tuyên bố sẽ không ủng hộ văn bản trên mà đề xuất một dự thảo khác kêu gọi ngừng bắn tạm thời liên quan đến việc thả các con tin đang bị Hamas bắt giữ. Đây là lần thứ 3 Mỹ sử dụng quyền phủ quyết tại cuộc bỏ phiếu ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên quan cuộc chiến ở Gaza.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield tuyên bố Washington dùng quyền phủ quyết vì lo ngại dự thảo nghị quyết này sẽ “tác động tiêu cực” đến các cuộc đàm phán giữa Mỹ, Ai Cập, Israel và Qatar nhằm tìm cách trở thành trung gian cho thỏa thuận con tin mà Hamas bắt giữ và tạm dừng giao tranh.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield (trái) và Đại sứ Algeria tại Liên Hợp Quốc Amar Bendjama (phải). Ảnh: AP

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield (trái) và Đại sứ Algeria tại Liên Hợp Quốc Amar Bendjama (phải). Ảnh: AP

Bà cũng bác bỏ những chỉ trích cho rằng quyền phủ quyết là một nỗ lực của Mỹ nhằm che chở cho một cuộc tấn công trên bộ sắp xảy ra của Israel vào thành phố Rafah ở cực nam Gaza - nơi có khoảng 1,4 triệu người đang trú ẩn.

Khi trình nghị quyết trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 20/2, Đại sứ Algeria tại Liên Hợp Quốc Amar Bendjama nói rằng rằng Hội đồng “không được phép bị động” trước những gì đang diễn ra ở Gaza và sự im lặng “không phải là một lựa chọn khả thi”. “Bỏ phiếu chống lại nghị quyết ngụ ý sự tán thành bạo lực tàn bạo và hình phạt tập thể đối với người Palestine”, ông nói.

Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc Gilad Erdan cảnh báo rằng lệnh ngừng bắn ở Gaza sẽ cho phép Hamas tái vũ trang và tập hợp lại. “Lệnh ngừng bắn đạt được chính là sự sống còn của Hamas. Lệnh ngừng bắn là bản án tử hình đối với nhiều người Israel và người dân Gaza hơn nữa”.

Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc Gilad Erdan. Ảnh: AP

Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc Gilad Erdan. Ảnh: AP

Trong khi đó, Đại sứ Palestine tại Liên Hợp Quốc Riyad Mansour cảnh báo rằng nếu không có lệnh ngừng bắn, Dải Gaza sẽ chứng kiến thêm nhiều trẻ em thiệt mạng và mồ côi, chết vì đói, lạnh và bệnh tật, nhiều gia đình sẽ tiếp tục phải di dời và toàn bộ 2,3 triệu dân số của Gaza sẽ không có lương thực, nước uống, thuốc men và nơi trú ẩn.

Đại sứ Palestine tại Liên Hợp Quốc Riyad Mansour. Ảnh: AP

Đại sứ Palestine tại Liên Hợp Quốc Riyad Mansour. Ảnh: AP

Theo AP, vào ngày 22/12/2023, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi tăng tốc ngay lập tức việc cung cấp viện trợ cho những người dân đang tuyệt vọng ở Gaza, nhưng không có lời kêu gọi “đình chỉ khẩn cấp các hành động thù địch” giữa Israel và Hamas. Nghị quyết này kêu gọi “tạo điều kiện để chấm dứt chiến sự một cách bền vững”. Các nhà ngoại giao cho biết đây là lần đầu tiên Hội đồng Bảo an đề cập đến việc ngừng giao tranh.

Trong khi các nước đang tranh cãi về lệnh ngừng bắn trong các cuộc họp ở Liên Hợp Quốc, Israel vẫn tiếp tục tiến hành không kích và giao tranh trên bộ vào các khu vực tại Dải Gaza, khiến tổng cộng 103 người Palestine thiệt mạng trong 24 giờ qua.

Theo Cơ quan Y tế Gaza, các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza trong 4 tháng qua đã khiến hơn 29.000 người Palestine đã thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, không phân biệt dân thường và chiến binh. Hơn 68.000 người đã bị thương trong giao tranh trong khi khoảng 80% trong số 2,3 triệu người ở Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa. Nhiều khu vực rộng lớn ở dải đất này đã bị phá hủy hoàn toàn và người dân đang phải trải qua tình trạng khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.