Ngư dân Na Uy đánh bắt cá Tuyết. Ảnh: Hội đồng Hải sản Na Uy. |
Tại hội thảo Việt Nam - Na Uy: Cơ hội hợp tác trong nuôi trồng và xuất khẩu thủy hải sản do Đại sứ quán Na Uy và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp tổ chức chiều 28/2, bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam nhấn mạnh, đây là một trong những lĩnh vực trọng tâm của hơn 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971.
Trên cơ sở đó, ông Asbjørn Warvik Rørtveit, Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Hội đồng Hải sản Na Uy cho biết: “Trong năm 2023, Hội đồng Hải sản Na Uy sẽ tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại tại Việt Nam. Bất cứ nhà nhập khẩu nào của Việt Nam cũng có thể đăng ký sử dụng thương hiệu Seafood from Norway cho các sản phẩm của mình”, ông Asbjørn Warvik Rørtveit nhấn mạnh.
Việt Nam học hỏi được nhiều kinh nghiệm quản lý thủy sản của Na uy. Ảnh: Hội đồng Hải sản Na Uy. |
Phân tích thêm về tiềm năng mối quan hệ hợp tác về thủy sản giữa hai nước, đại diện Hội đồng Hải sản Na Uy chỉ ra, quốc gia này có ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản tiên phong thế giới với các giá trị cốt lõi là phát triển bền vững, bảo vệ môi trường song song với việc nâng cao giá trị kinh tế và uy tín của thủy sản quốc gia trên toàn cầu.
Trong khi đó, Việt Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững và có trách nhiệm. “Do vậy, Na Uy có nhiều bài học hữu ích trong toàn bộ chuỗi giá trị của ngành để chia sẻ với Việt Nam nhằm giúp các hoạt động nuôi trồng thủy sản bền vững hơn và phát thải carbon thấp hơn”, ông Asbjørn Warvik Rørtveit cho biết.
Hướng đến hợp tác thành công và trách nhiệm
Đồng tình với những chia sẻ của ông Asbjørn Warvik Rørtveit, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, mặc dù là quốc gia xuất khẩu thủy sản đứng thứ 3 trên thế giới nhưng Việt Nam cũng là quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ thủy sản.
Theo báo cáo của Hội đồng Thủy sản Na Uy, năm 2022, Việt Nam là quốc gia tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Na Uy tại Đông Nam Á với tổng sản lượng khoảng 50.000 tấn, trong đó, mặt hàng được tiêu thụ nhiều là cá hồi tăng 49% so với cùng kỳ. Các loài thủy sản có vỏ (tôm, nghêu, sò, ốc) cũng tăng trưởng 9% so với năm 2021.
"Việt Nam cũng đang có lợi thế tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và quyết tâm khai thác tiềm năng, sử dụng có trách nhiệm và bền vững các nguồn tài nguyên biển. Trong khi đó, Na Uy là quốc gia có nhiều bài học hữu ích trong toàn bộ chuỗi giá trị của ngành để chia sẻ với Việt Nam".
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ, chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2021 đã đặt ra một số mục tiêu cho ngành thủy sản của Việt Nam, trong đó có giảm dần cường lực khai thác nguồn lợi tự nhiên và tăng cường nuôi trồng thủy sản tại các khu vực phù hợp.
“Thông qua việc hợp tác của hai nước, hai bên có thể phát triển các thực tiễn xanh hơn và bền vững cho ngành thủy sản Việt Nam, qua đó tiếp tục truyền cảm hứng cho hoạt động đổi mới sáng tạo trong ngành và để Na Uy và Việt Nam trở thành các quốc gia thủy sản vừa thành công vừa có trách nhiệm”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Trong năm 2022, sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ước năm 2022, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản tăng 4,1% so với năm 2021. Tổng sản lượng đạt 9,026 triệu tấn, tăng 2,7% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 ước đạt kỷ lục khoảng 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với năm 2021, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu sản phẩm thủy sản lớn thứ 3 trên thế giới.
Năm 2022, diện tích nuôi biển ở Việt Nam khoảng 9 triệu m³ lồng (bao gồm: 4 triệu m³ lồng nuôi cá biển; 5 triệu m³ lồng nuôi tôm hùm); tổng sản lượng 717 nghìn tấn, tăng 10,7% so với năm 2021 (648 nghìn tấn), trong đó: cá biển 45 nghìn tấn; tôm hùm 2,5 nghìn tấn; nhuyễn thể 400 nghìn tấn; đối tượng khác 270 nghìn tấn.