Các nhà chức trách tại Nam Mỹ, đặc biệt là Brazil, đang tập trung cao độ và cố gắng ngăn chặn dịch cúm gia cầm lây lan trên diện rộng. Ảnh: Reuters |
Theo Tổ chức Thú y Thế giới, hơn 100 triệu con gia cầm đã chết hoặc bị tiêu hủy do dịch cúm trong khoảng thời gian từ đầu tháng 10/2022 đến ngày 3/2/2023. So với cùng kỳ mùa trước, vốn là một mùa thiệt hại kỷ lục do cúm gia cầm, con số này còn cao hơn gấp 3 lần.
Trong số gia cầm bị thiệt hại, gà đẻ trứng chính là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, từ đó đẩy giá trứng lên cao và ảnh hưởng tới chi tiêu của người tiêu dùng. Dù xu hướng chung của lạm phát thực phẩm toàn cầu là đi xuống, nguồn cung trứng gà thiếu hụt vẫn gây tác động ngược lại.
Tại thị trường Mỹ - một trong những nơi ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch cúm gia cầm - giá trứng trong tháng 1 đầu năm 2023 đã tăng tới hơn 70% so với năm 2022. Mức tăng này đồng thời là mức tăng mạnh nhất từng được ghi nhận trong 4 thập kỷ.
Tuy nhiên, tình hình tồi tệ vẫn chưa dừng lại. Tính tới thời điểm hiện tại, Bloomberg cho biết các trường hợp nhiễm cúm gia cầm đã bắt đầu xuất hiện tại các trang trại ở Nam Mỹ như Ecuador, Colombia và Bolivia trong khi virus cũng đã được phát hiện ở một loài chim hoang dã xuất hiện ở Argentina.
Tình hình đáng báo động hơn nữa chính là sự xuất hiện của ca nhiễm cúm gia cầm đầu tiên tại Uruguay ngày 15/2. Các dấu hiệu này cho thấy khả năng cao dịch bệnh đang lây lan rất nhanh và có thể sắp tới Brazil - nước xuất khẩu thịt gà lớn nhất thế giới. Xuất khẩu thịt gà của Brazil trong những tháng gần đây đạt mức kỷ lục do nguồn cung từ các quốc gia sản xuất thịt gia cầm lớn như Mỹ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Carlos Favaro, vụ việc xảy ra ở Uruguay là vụ việc gần nhất với Brazil được báo cáo cho đến nay. Ông cho biết dù Brazil chưa báo cáo ca nhiễm nào, đợt bùng phát mới nhất cách biên giới Brazil 180km đang khiến các nhà chức trách nước này ở trong tình trạng cảnh giác cao độ.
Để có thể ứng phó và giải quyết nguy cơ dịch cúm gia cầm lây lan, chính phủ Brazil đang đẩy mạnh các nỗ lực giám sát và củng cố an ninh tại các biên giới với các quốc gia có ghi nhận có sự xuất hiện của dịch cúm gia cầm. Nguy cơ lây truyền ở Nam Mỹ hiện đang ở mức cao nhất theo mùa và sẽ tiếp tục duy trì ở mức này cho đến tháng 5 do các tiết tấu di cư của chim.
Các nhà sản xuất thịt gà tại Brazil cũng đang có những biện pháp tự phòng ngừa, ví dụ như tập đoàn xuất khẩu thịt gà ABPA. Công ty này cho biết đang theo dõi tình hình ở Uruguay một cách chặt chẽ trong khi nâng cấp các giao thức an toàn sinh học trong nước như khử trùng phương tiện. Ngoài ra, các chuyến thăm tới các trang trại và cơ sở sản xuất của tập đoàn đều bị cấm.