Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch World Bank Ajay Banga. Ảnh: VGP |
Chủ tịch World Bank khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam
Tại cuộc tiếp Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (World Bank) Ajay Banga, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự hỗ trợ, hợp tác của World Bank dành cho Việt Nam trong thời gian qua, nhất là về tư vấn chính sách, cung cấp tài chính, triển khai nhiều dự án hiệu quả, đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam.
Chủ tịch World Bank nhấn mạnh World Bank tiếp tục coi Việt Nam là đối tác quan trọng và khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam.
Để nâng cao hiệu quả hợp tác trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch World Bank thống nhất đẩy nhanh tiến độ các dự án hiện có, đồng thời thúc đẩy các dự án chiến lược quy mô lớn, có tác động lan tỏa, mang tính chuyển đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế.
Một số dự án thế hệ mới tiềm năng trong khuôn khổ khoản vay 5 - 7 tỷ USD của World Bank cho Việt Nam trong 3 năm tới gồm dự án Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam (REACH), dự án trồng 1 triệu ha lúa năng suất cao, phát thải thấp, dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Hoà Lạc, đầu tư cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long và các dự án chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Đồng thời, trong quá trình World Bank tái cơ cấu hiện diện trên toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ đề nghị World Bank thành lập một Trung tâm khu vực đặt văn phòng tại Việt Nam, khẳng định tạo điều kiện tốt nhất để văn phòng vùng vận hành các dự án tại Việt Nam và các nước trong khu vực.
Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch World Bank thống nhất đẩy nhanh tiến độ các dự án hiện có, đồng thời thúc đẩy các dự án chiến lược quy mô lớn. Ảnh: VGP |
Chủ tịch World Bank đánh giá cao ý tưởng của Thủ tướng Chính phủ, khẳng định sẽ nghiên cứu nghiêm túc về việc thiết lập một trung tâm khu vực. Chủ tịch World Bank đánh giá cao nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, nhất là việc triển khai dự án trồng 1 triệu ha lúa năng suất cao, ít phát thải.
Ông coi đây là dự án hình mẫu về nông nghiệp xanh của World Bank trên thế giới, giúp giảm khí thải methane cũng như có thể mang lại lợi ích tài chính rõ rệt cho người dân thông qua cơ chế tín chỉ carbon.
Chủ tịch World Bank cũng đề xuất Việt Nam nghiên cứu tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu và khẳng định sẵn sàng đồng hành và ủng hộ Việt Nam trong quá trình này, cũng như trong việc thực hiện các cam kết và mục tiêu khí hậu nói chung.
“Quan hệ Cuba - Việt Nam là biểu tượng tốt đẹp”
Cũng trong ngày 2/12, Thủ tướng Chính phủ có cuộc gặp Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Díaz-Canel. Thời gian qua quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt, ủng hộ và hợp tác toàn diện anh em Việt Nam - Cuba không ngừng được quan tâm củng cố, thúc đẩy và phát triển sâu rộng. Thủ tướng chúc mừng Cuba chủ trì thành công Hội nghị thượng đỉnh G77 về biến đổi khí hậu trong khuôn khổ Hội nghị COP28.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng, gìn giữ và quyết tâm làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ truyền thống đoàn kết và hợp tác toàn diện Việt Nam - Cuba, sát cánh ủng hộ sự nghiệp cách mạng chính nghĩa của nhân dân Cuba. Thủ tướng khẳng định lại lập trường nhất quán của Việt Nam phản đối các biện pháp bao vây cấm vận đơn phương với Cuba.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Díaz-Canel. Ảnh: VGP |
Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Díaz-Canel chân thành cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã luôn là người bạn hết sức tin cậy, luôn ủng hộ và hỗ trợ Cuba vượt qua những khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội do ảnh hưởng của bao vây, cấm vận.
Chủ tịch Miguel Díaz-Canel đánh giá quan hệ Cuba - Việt Nam là biểu tượng tốt đẹp, được Chủ tịch Fidel Castro, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp qua nhiều giai đoạn.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường phối hợp lập trường, trao đổi tiếp xúc tại các diễn đàn đa phương, là truyền thống tốt đẹp giữa hai nước. Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ hơn nữa để thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, trong đó có hợp tác nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực.
Sớm trao đổi, thống nhất mở đường bay thẳng từ Việt Nam tới Thụy Điển
Tại cuộc gặp Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống với Thụy Điển, một trong những đối tác ưu tiên của Việt Nam tại châu Âu.
Thủ tướng đề nghị hai bên thúc đẩy các hoạt động trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao, nhất là trong năm 2024 khi hai nước kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, tạo cơ sở củng cố và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác song phương, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm phát triển đất nước.
Thủ tướng cho rằng hai nước cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, giáo dục đào tạo, mở rộng visa du lịch để thuận lợi hóa giao lưu nhân dân.
Thủ tướng cũng mong muốn Thụy Điển chia sẻ kinh nghiệm thành công với Việt Nam trong lĩnh vực phát triển văn hóa, con người, an sinh xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson. Ảnh: VGP |
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson ghi nhận tích cực các đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính và mong muốn sớm thăm Việt Nam để thúc đẩy toàn diện quan hệ hợp tác.
Ông khẳng định Thụy Điển sẽ nỗ lực thúc đẩy hợp tác đi vào chiều sâu với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực tiềm năng và đề nghị các cơ quan chức năng hai nước sớm trao đổi, thống nhất mở đường bay thẳng tới các nước Scandinavia, nhất là Thụy Điển để đẩy mạnh du lịch, giao lưu nhân dân.
Thủ tướng Thụy Điển đánh giá cao lập trường của Việt Nam về giải quyết hòa bình các tranh chấp, xung đột quốc tế trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, chấm dứt mọi hành động gây thương vong cho dân thường, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không quốc tế.
Thủ tướng Thụy Điển tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực vào duy trì vai trò trung tâm của ASEAN cũng như tham gia giải quyết những vấn đề thuộc quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.
Nhân dịp này, hai bên cũng nhất trí sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, làm cầu nối hợp tác ASEAN - EU. Đồng thời, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về nhiều vấn đề quốc tế, khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Đây là những hoạt động cuối cùng của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chương trình công tác tại UAE. Chiều cùng ngày 2/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu Việt Nam rời UAE, lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh COP 28, thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ và hoạt động song phương tại UAE.