Nepal ban hành lệnh cấm TikTok

tiktok Nepal
12:23 - 14/11/2023
Nepal cấm TikTok do phá vỡ "sự hòa hợp xã hội". Ảnh: AP
Nepal cấm TikTok do phá vỡ "sự hòa hợp xã hội". Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Sau cuộc họp nội các ngày 13/11, chính phủ Nepal đưa ra quyết định cấm ứng dụng truyền thông xã hội TikTok của ByteDance với nguyên nhân nền tảng video ngắn phổ biến đang phá vỡ “sự hòa hợp xã hội” tại quốc gia này.

Theo hãng tin AP trích dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Nepal Narayan Prakash Saud, ứng dụng TikTok sẽ bị cấm tại quốc gia này. Cụ thể, ông cho biết: “Chính phủ đã quyết định cấm TikTok vì cần phải quản lý việc sử dụng nền tảng truyền thông xã hội đang phá vỡ sự hòa hợp xã hội và lòng tốt cũng như thúc đẩy luồng tài liệu không đúng đắn”.

Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ Thông tin Rekha Sharma cùng ngày cũng đưa ra nhận định tương tự khi cho biết TikTok được sử dụng để chia sẻ các nội dung “phá vỡ sự hòa hợp xã hội, phá vỡ cấu trúc gia đình cũng như các mối quan hệ xã hội”.

Động thái này của chính phủ Nepal nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ cả công chúng lẫn các chính trị gia. Phát biểu trên mạng xã hội X ngày 13/11, ông Gagan Thapa, lãnh đạo Đảng Nepali Congress, một phần của liên minh cầm quyền, cho biết chính phủ dường như đang có ý định “ngăn chặn quyền tự do ngôn luận”. Theo ông, “quy định là cần thiết để ngăn cản những người lạm dụng mạng xã hội, nhưng việc đóng cửa mạng xã hội dưới danh nghĩa quy định là hoàn toàn sai lầm”.

Quyết định cấm TikTok được đưa ra chỉ vài ngày sau khi chính phủ Nepal ra một chỉ thị yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội hoạt động ở nước này phải đăng ký và mở văn phòng liên lạc, nộp thuế và tuân thủ luật pháp và quy định. Khi được AP liên hệ, TikTok không trả lời yêu cầu đưa ra bình luận.

Là nền tảng mạng xã hội thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance, TikTok trong khoảng thời gian gần đây đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ ở một số quốc gia do các mối quan ngại liên quan tới việc Bắc Kinh có thể sử dụng ứng dụng này để thu thập dữ liệu người dùng hoặc thúc đẩy lợi ích của mình.

Tính tới hiện tại, các quốc gia bao gồm Mỹ, Anh và New Zealand đã cấm ứng dụng này trên các thiết bị của chính phủ. Chính phủ Australia ngày 3/4 thông báo sẽ cấm nền tảng này trên các thiết bị của chính phủ sớm nhất có thể. Tới ngày 22/8 vừa qua, quốc gia châu Phi Somalia cũng yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet của nước này tuân thủ lệnh cấm TikTok, Telegram và các website cá độ nhằm ngăn chặn hình ảnh và tuyên truyền thông tin sai lệch, không phù hợp.

Phản ứng lại tất cả các cáo buộc trên, TikTok liên tục phủ nhận việc chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc, đồng thời khẳng định sẽ không làm như vậy nếu được yêu cầu.

Chính phủ Trung Quốc cũng phản ứng mạnh mẽ trước lệnh cấm TikTok, đặc biệt là từ phía Mỹ. Trong một phát biểu ngày 28/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ninh cho biết: "Chúng tôi kiên quyết phản đối những hành động sai trái này". Quan chức này cho rằng lệnh cấm của chính phủ Mỹ đối với ứng dụng chia sẻ video TikTok cho thấy sự bất an của Washington. Đồng thời, bà cáo buộc Washington đang lạm dụng quyền lực Nhà nước.

"Làm thế nào mà Mỹ - siêu cường quốc hàng đầu thế giới, lại phải bất an đến mức mà sợ một ứng dụng được người trẻ yêu thích như vậy?", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.