Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu trao đổi văn kiện với người đồng cấp Belarus Viktor Khrenin. Ảnh: BQP Belarus |
TASS dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Belarus cho biết, tại cuộc họp của hai bộ trưởng, hai bên đã ký “các văn kiện xác định thủ tục lưu giữ vũ khí hạt nhân phi chiến lược của Nga trong một cơ sở lưu trữ đặc biệt trên lãnh thổ Belarus”.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu tuyên bố: “Trong bối cảnh các mối đe dọa ở biên giới phía Tây của Nga và Belarus đang ngày càng nghiêm trọng, quyết định về các biện pháp đối phó trong lĩnh vực quân sự - hạt nhân đã được đưa ra”.
Quan chức quốc phòng Nga và Belarus tại cuộc họp ký kết văn kiện triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật. Ảnh: TASS |
Ông Shoigu cho biết Moscow đã bàn giao hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M có khả năng mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân và một số máy bay chiến đấu Su-25 đã được chuyển đổi để có thể sử dụng vũ khí hạt nhân cho lực lượng vũ trang Belarus.
“Các quân nhân Belarus đã trải qua khóa huấn luyện bắt buộc tại các trung tâm huấn luyện của Nga”, ông Shoigu nói.
“Tôi xin lưu ý rằng toàn bộ các biện pháp phù hợp với các cam kết quốc tế hiện có và không vi phạm Hiệp ước về Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Việc kiểm soát và quyết định sử dụng vũ khí sẽ vẫn là đặc quyền của Nga", Bộ trưởng Quốc phòng Nga nhấn mạnh.
Bệ phóng tên lửa Iskander-M tại cuộc diễn tập cho cuộc duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng tại Quảng trường Đỏ, Nga, ngày 7/5/2021. Ảnh: Reuters |
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25/3 thông báo, Moscow sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ sở vũ khí hạt nhân chiến thuật của nước này tại Belarus sớm nhất là vào đầu tháng 7 năm nay, đồng thời chuyển giao cho Minsk hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander.
Ông Putin cho rằng việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus cũng tương tự như những gì Mỹ đã làm trong thời gian qua trên lãnh thổ các quốc gia đồng minh.
Bộ Ngoại giao Belarus sau đó cũng đã giải thích rằng Minsk đã quyết định tiếp nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sau nhiều năm chịu áp lực từ Mỹ và các nước đồng minh phương Tây.
Tuy nhiên, NATO tuyên bố coi động thái của Nga là “nguy hiểm và vô trách nhiệm”. Khối này khẳng định sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình, nhưng khẳng định “chưa thấy bất kỳ thay đổi nào về quan điểm hạt nhân của Nga”. Trong khi đó, giới chức Mỹ đưa ra các tuyên bố thận trọng, rằng Washington sẽ “theo dõi và xem xét điều này sẽ dẫn đến động thái gì”.