Cụ thể, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB) công bố ngày 14/7 sẽ mua lại trước hạn lô trái phiếu mã LPBH2124009 với giá trị gốc 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, lãi chưa thanh toán đến ngày mua lại trước hạn là 39 triệu đồng/trái phiếu, tương ứng giá trị mua lại 1.039 tỷ đồng/trái phiếu. Tổng giá trị mà ngân hàng thanh toán cho lô trái phiếu này là 1.039 tỷ đồng.
Ngày 19/7, ngân hàng cũng sẽ chi 1.000 tỷ đồng mua lại trái phiếu mã LPBH2124011. Tiền lãi chưa thanh toán tính đến ngày mua lại trước hạn là 39 triệu đồng/trái phiếu. Tương ứng tổng giá trị ngân hàng chi ra 1.039 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, vào ngày 21/7, LPB cũng dự kiến chi 1.000 tỷ đồng mua lại trái phiếu mã LPBH2225006. Tiền lãi chưa trả đến ngày mua lại trước hạn là 47 triệu đồng/trái phiếu. Tổng giá trị thanh toán cho lô trái phiếu này là 1.047 tỷ đồng. Như vậy chỉ trong tháng 7 ngân hàng Liên Việt sẽ chi ra hơn 3.000 tỷ đồng để mua lại trước hạn các lô trái phiếu.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) công bố kế hoạch mua lại 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Theo đó, OCB sẽ tiến hành mua lại trái phiếu trước hạn có mã OCBL2225009 vào ngày 21/7. Tổng tiền lãi đến ngày mua lại trước hạn là 45 tỷ đồng. Tổng giá trị thanh toán đến ngày mua lại trước hạn là 1.045 tỷ đồng. Trong quý 2/2023 vừa qua, OCB cũng tiến hành nhiều đợt mua lại trái phiếu trước hạn với tổng trị giá ước tính khoảng 5.500 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc mua lại trước hạn trái phiếu phát hành riêng lẻ lần 4, năm 2021. Theo đó, ACB mua lại 4 lô trái phiếu, gồm ACBH2124005, ACBH2124006, ACBH2124011 và ACBH2124012 với tổng mệnh giá tối đa 10.000 tỷ đồng. Trong đó, 2 lô được tiến hành mua lại vào 8/7 và 15/7.
17 ngân hàng mua lại trái phiếu trước hạn quý 2
Thống kê từ HNX cho thấy riêng trong quý 2/2023 vừa qua đã có đến 17 ngân hàng xuống tiền mua lại trái phiếu trước hạn, tăng mạnh so với cùng kỳ và cả quý 1/2023. Tổng khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn của nhóm ngân hàng đạt trên 57.000 tỷ đồng.
Trong quý 2/2023 Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) đã tổ chức 10 đợt mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị 7.500 tỷ đồng, trở thành ngân hàng mua lại nhiều trái phiếu trước hạn nhất trong quý 2.
Nhóm các ngân hàng BIDV, OCB và MSB cũng đua nhau mua lại trái phiếu trước hạn trong quý 2 vừa qua. Mỗi ngân hàng trong TOP 2 này mua lại xấp xỉ 5.800-5.900 tỷ đồng trái phiếu trước hạn.
Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng tổ chức mua lại 2 đợt trái phiếu trước hạn, mỗi lô 2.500 tỷ đồng. Tổng giá trị trái phiếu trước hạn mua lại 5.000 tỷ đồng.
Techcombank (TCB) cũng chi mạnh tiền mua lại nhiều trái phiếu trước hạn trong quý 2 vừa qua khi tổ chức 4 đợt mua lại với giá trị 4.500 tỷ đồng.
An Bình Bank (ABB), VPBank (VPB), VIB, HDBank (HDB), Bắc Á Bank BAB), Bản Việt (BVB), Lienvietpostbank (LPB) và Sacombank (STB) đều là những ngân hàng chi hàng nghìn tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn trong riêng quý 2 vừa qua.
Điểm chung của các lô trái phiếu mà các ngân hàng chọn mua lại trước hạn này là đều còn cách rất xa đến ngày đáo hạn.
Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 158.500 tỷ đồng. Phần lớn giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với 80.952 tỷ đồng, chiếm 51%; theo sau là nhóm ngân hàng với 27.261 tỷ đồng, chiếm 17,2%.