Ngành chè sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ COVID-19 trong năm 2022

chè THẾ GIỚI
17:48 - 17/01/2022
Năm 2022, chè sẽ tiếp tục tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực.
Năm 2022, chè sẽ tiếp tục tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực.
0:00 / 0:00
0:00
Bên cạnh những tác động tiêu cực của COVID-19, nhu cầu tiêu thụ chè lại tăng lên trong năm 2021 và xu hướng được dự báo sẽ tiếp tục trong năm 2022, tạo cơ hội cho ngành sản xuất mặt hàng nông sản này của Việt Nam.

Hiệp hội Chè Hoa Kỳ nhận định thị trường chè tăng trưởng tốt trong năm 2021, số liệu nhập khẩu chè tính đến tháng 9/2021 tăng hơn 8%, riêng chè đen vượt năm 2020 hơn 9%.

Nghiên cứu do Hiệp hội Chè Hoa Kỳ cho biết người tiêu dùng đã chuyển sang dùng chè trong những thời điểm khó khăn. Xu hướng này sẽ tiếp tục vào năm 2022 với nhận thức chè là một chất kích thích để giảm căng thẳng, cũng như mang lại cảm giác “tập trung” trong thời điểm lo lắng.

Hiệp hội này cũng dự đoán, năm 2022, chè sẽ tiếp tục tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, chè nguyên lá (chè đặc sản) đang tiếp tục gia tăng mức độ phổ biến đối với người tiêu dùng trên tất cả các đối tượng. Những người tiêu dùng đang tìm kiếm câu chuyện đằng sau các sản phẩm yêu thích của họ về lịch sử, địa lý và truyền thống.

COVID-19 tiếp tục làm nổi bật “sức mạnh của chè” trong việc tăng cường sức khỏe. Chè đen bắt đầu phổ biến hơn từ dưới bóng của hào quang của chè xanh với các đặc tính dành cho sức khỏe.

Trong khi việc tiêu thụ chè nhìn chung được hưởng lợi tích cực, COVID-19 đã tác động đến các doanh nghiệp, yêu cầu phải có những cách thức làm việc khác nhau trong các công ty và chuỗi cung ứng.

Sự sụt giảm hàng tồn kho là một trong những kết quả của sự mất cân bằng trong vận chuyển do giãn cách. Các tàu container mắc kẹt ngoài khơi trong khi các cảng chật vật chuyển hàng lên xe để giao cho khách.

Các công ty vận tải đường biển đã tăng giá cước lên mức phi lý với một số khu vực xuất khẩu, đặc biệt là châu Á, khi chi phí cho một container từ 3.000 USD lên 17.000 USD. Hơn nữa, sự mất cân bằng của thùng chứa đã ngăn cản sự phục hồi nhanh hơn của ngành chè.

Riêng đối với Việt Nam, theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 12/2021 đạt 11 nghìn tấn, trị giá 20 triệu USD, giảm 1,9% về lượng, nhưng tăng 10,8% về trị giá so với tháng 12/2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 12/2021 ước đạt 1.784,9 USD/tấn, tăng 12,9% so với tháng 12/2020.

Năm 2021, xuất khẩu chè ước đạt 126 nghìn tấn, trị giá 213 triệu USD, giảm 6,7% về lượng và giảm 2,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong năm 2021 ước đạt 1.694,6 USD/tấn, tăng 5,1% so với năm 2020.

Cũng theo số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trị giá xuất khẩu chè của Việt Nam hàng năm trung bình đạt 173,2 triệu USD trong giai đoạn năm 2016 - 2020. Trong khi trị giá nhập khẩu chè trên toàn cầu hàng năm trung bình đạt 7,2 tỷ USD. Như vậy, trị giá xuất khẩu chè của Việt Nam mới chỉ chiếm 2,4% tổng trị giá nhập khẩu chè trên toàn cầu.

Những dự báo về ảnh hưởng tích cực từ COVID-19 đối với ngành chè trong năm 2022 sẽ là cơ hội cho ngành chè Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên để cạnh tranh được với các quốc gia khác, Việt Nam cần đa dạng về chủng loại, nâng cao chất lượng, mẫu mã, hàm lượng chế biến và tăng khả năng đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Theo ông Ngô Hồng Thái, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Chè Việt Nam (Vinatea), các doanh nghiệp chè cần thay đổi mô hình quản trị, tập trung vào thiết kế lại thương hiệu, bộ sản phẩm, bao bì, nhãn mác thật chuyên nghiệp, mang đẳng cấp tương tự với sản phẩm của nước ngoài để tiêu thụ trên các thị trường bán lẻ, nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể phục vụ ngay chính trong thị trường nội địa trước.

Tin liên quan

Đọc tiếp